Thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng?

Cập nhật 12/08/2009 10:40

Quy định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn, cùng với quy định về tỉ lệ khả năng chi trả đã giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) bảo đảm an toàn thanh khoản...

Dự báo, tới đây mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài của các NHTM sẽ tăng. Ảnh: Giang Huy.

Quy định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn, cùng với quy định về tỉ lệ khả năng chi trả đã giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) bảo đảm an toàn thanh khoản. Tuy nhiên, trước mắt cũng có thể làm ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực BĐS và diễn biến lãi suất (LS).

Sau 44 ngày nữa, các NHTM chỉ được phép sử dụng tối đa tỉ lệ 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn (giảm 10% so với tỉ lệ được phép trước). Theo NHNN, thực tế thực hiện của các TCTD thời gian qua về tỉ lệ khả năng chi trả còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, tình hình huy động vốn trung và dài hạn của các TCTD còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các rủi ro tiềm ẩn do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định về tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là cần thiết.

Tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn của TCTD được quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-NHNN của NHNN như sau: NHTM: 30%; Cty tài chính và Cty cho thuê tài chính: 30%; Quỹ Tín dụng nhân dân T.Ư: 20%.

Điểm đáng chú ý nhất là kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành, TCTD có tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn cao hơn tỉ lệ quy định không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn và phải có biện pháp, kế hoạch điều chỉnh để đảm bảo đến ngày 1.1.2010 phải tuân thủ đúng tỉ lệ quy định.

Không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu sử dụng vốn của hệ thống

Thông tư 15/2009/TT-NHNN là một trong những bước tiến của NHNN trong việc hoàn thiện các văn bản pháp lý để thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Tuy giảm mạnh so với tỉ lệ cũ, nhưng về cơ bản việc thực hiện thông tư 15 không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu sử dụng vốn của toàn hệ thống, vì nhiều NHTM lớn hầu như chưa bao giờ sử dụng hết tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Tuy nhiên, sẽ ít nhiều tác động đến một số NHTM quy mô trung bình. Các NH này thường khó khăn do uy tín chưa cao, nên khả năng thu hút vốn trung và dài hạn không lớn, mặt khác tỉ lệ vốn cho vay tiêu dùng với các mục đích liên quan đến BĐS của các NH này thường cao hơn các NH khác. Việc đảm bảo đến ngày 1.1.2010 phải tuân thủ đúng tỉ lệ quy định sẽ là khó khăn không nhỏ cho một số NH.

Gián tiếp kiềm chế tín dụng vào thị trường BĐS

Lĩnh vực bị tác động nhiều nhất là BĐS, vì vốn cho vay lĩnh vực này phần nhiều là cho vay trung và dài hạn. Năm 2007, tín dụng tăng trưởng nóng (gần 54%), đặc biệt vào lĩnh vực BĐS (tăng 85%). Cũng trong năm này, các NHTM cổ phần đã dồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản quá lớn (khối này chiếm 52%/tổng dư nợ cho vay BĐS của toàn ngành).

Cuối năm 2007, có đến 26 NHTM có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS từ 20%/tổng dư nợ trở lên, NH cao nhất đến gần 68%. Tình trạng kéo dài đến gần cuối quý I/2008, dư nợ BĐS của hệ thống đạt tới 123 nghìn tỉ đồng. Tình trạng chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn thời kỳ này là một trong những nguyên nhân dẫn đến diễn biến tiêu cực và nguy cơ rủi ro thanh khoản của thị trường tiền tệ, tín dụng 5 tháng đầu năm 2008.

Dù không đưa ra một hạn mức tín dụng như cho vay kinh doanh CK, nhưng NHNN thường xuyên cảnh báo và nhắc nhở các NH về kiểm soát chất lượng tín dụng trong cho vay BĐS. Các thông tin cơ bản về điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy, dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh BĐS của hệ thống các TCTD đến 30.6 ước tăng 10,48% so với cuối năm 2008.

Điểm chú ý trong mức tăng này là sự thay đổi lớn so với thông tin trước đó là tính đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS của các TCTD là 148.451 tỉ đồng, giảm gần 12% so với cuối năm 2008. Có lẽ với diễn biến tình hình như vậy, với thông tư 15, NHNN sẽ gián tiếp kiềm chế tín dụng vào BĐS của một số NH để tránh rủi ro.

Áp lực tăng lãi suất huy động

Việc không huy động được nguồn vốn có kỳ hạn dài sẽ làm cho hệ thống NHTM ở trong tình trạng dễ mất thanh khoản nếu các TTCK, vàng, BĐS có những cơn sốt nóng. Điều này đã diễn ra khi VNi của TTCK tăng từ 235 điểm đến 512,6 điểm thì một số NHTM quy mô trung bình rơi vào trạng thái khó khăn thanh khoản phải tăng LS huy động lên cao, khiến cho thị trường vốn lúc đó nóng lên bởi cuộc chạy đua vốn huy động.

Để huy động được vốn cho vay trung và dài hạn bù đắp phần thiếu hụt do giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, chắc các NH phải tính đến tiếp tục tăng LS huy động. LS huy động của các NHTM trong thời gian gần đây tiếp tục có dấu hiệu tăng bất chấp mức LS cơ bản có khả năng giữ nguyên 7% đến cuối năm 2009.

Đỉnh cao nhất của LS huy động kỳ hạn 36 tháng hiện là 10,3%/năm, nhưng mới áp dụng ở một NHTMCP. Sắp tới, mặt bằng LS huy động kỳ hạn trên 12 tháng của các NHTM nhiều khả năng sẽ tăng hơn hiện nay.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động