Thanh lọc ngân hàng yếu để tăng sức đề kháng cả hệ thống

Cập nhật 15/09/2011 09:55

Các giải pháp về lãi suất vừa qua mới chỉ giải quyết tình thế chứ không có tác dụng lâu dài. Hỗ trợ tín dụng của NHNN với các ngân hàng nhỏ cũng không giúp được nhiều, mà bản thân NH phải tái cơ cấu, sáp nhập để tăng sức khoẻ. - Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB khuyến cáo.

Các giải pháp về lãi suất vừa qua mới chỉ giải quyết tình thế chứ không có tác dụng lâu dài. Hỗ trợ tín dụng của NHNN với các ngân hàng nhỏ cũng không giúp được nhiều, mà bản thân NH phải tái cơ cấu, sáp nhập để tăng sức khoẻ. - Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB khuyến cáo.

Bên lề cuộc họp báo về báo cáo cập nhật tăng trưởng châu Á hôm 14/9, ông Dominic Mellor chia sẻ thêm về các động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước gần đây.

* Ông đánh giá thế nào về việc Ủy ban giám sát tài chính đề nghị Chính phủ hạ mức tăng trưởng tín dụng xuống 15-17%, thay vì duy trì mức 20% theo Nghị quyết 11?

Nếu như chúng ta chỉ nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì chưa đầy đủ. Con số 20% của hôm nay khác với con số 20% của 4 năm trước. Chúng ta cần phải xem xét thực tế lượng tín dụng tăng ròng bao nhiêu. Thực tế quan sát thời gian qua cho thấy, hệ thống ngân hàng thường tăng tín dụng rất nhanh.

Vì lẽ đó, việc tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh phù hợp, nhưng điều chỉnh như thế nào cho thích hợp không có nghĩa sẽ hạ chỉ tiêu này xuống nhanh vì như thế, sẽ ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và gây ra khủng hoảng. Trong bối cảnh này, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng như thế nào là cả một vấn đề phức tạp.

* Thưa ông, ông có gợi ý nào cho Chính phủ Việt Nam về cách điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng này?

Tôi không có đề xuất cụ thể chỉ tiêu thế nào là thích hợp, nhưng khi xem xét việc này, Việt Nam cũng cần nhìn xem các nước khác làm thế nào. Hiện tại con số tăng trưởng tín dụng trên GDP của Việt Nam đã là 125%/GDP. So với các nước cùng giai đoạn đang phát triển trong khu vực thì mức gia tăng tín dụng của Việt Nam như thê là rất cao.

* Thưa ông, mới đây có thông tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho các ngân hàng nhỏ nhằm tăng tính thanh khoản. Nếu kế hoạch này được áp dụng thì liệu đây có phải là giải pháp khả thi không?

Tôi chưa rõ con số Ngân hàng Nhà nước định hỗ trợ tiền là bao nhiêu, nhưng hỗ trợ tín dụng các ngân hàng nhỏ không giải quyết được vấn đề mà bản thân các Ngân hàng nhỏ phải có giải pháp cơ cấu lại, tự nâng cao năng lực quản trị để cạnh tranh hơn trong môi trường hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ với vai trò là Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng của các ngân hàng, có thể thực hiện vai trò là người cho vay cuối cùng, khi cần thiết hỗ trợ về thanh khoản hoặc khi các ngân hàng cần hỗ trợ khác.

Mặt khác Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét để có các giải pháp cho nhóm các ngân hàng nhỏ này mạnh lên như tái cơ cấu, sáp nhập...

Hiện nay số lượng các ngân hàng thương mại nhỏ ở Việt Nam quá nhiều, hoạt động không hiệu quả. Môi trường cạnh tranh càng cao thì đòi hỏi ngày các tổ chức này phải càng hiệu quả hơn. Vậy nên tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên sáp nhập lại hệ thống các ngân hàng nhỏ để có thể hình thành những ngân hàng khỏe mạnh, năng lực cạnh tranh tốt, hoạt động an toàn và hiệu quả.

* Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước quy định mức trần lãi suất huy động là 14%/năm, vẫn là biện pháp điều hành mang tính hành chính. Với cách thức duy trì biện pháp hành chính như vậy, theo ông, liệu Việt Nam có hạ được lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm hay không?


Lãi suất phải cao hơn lạm phát thì người dân mới muốn gửi tiền (ảnh minh họa)

Trong ngắn hạn, các biện pháp hành chính có tác dụng nhất định. Thực tế người dân có thể đầu tư dưới các hình thức như giữ đô la, vàng.... nhưng tính thanh khoản thị trường hạn chế sẽ khó kích thích thay đổi hình thức đầu tư.

Tuy nhiên, trong dài hạn các biện pháp hành chính này không thể mang lại hiệu quả, mặt khác còn khiến người dân giảm lòng tin vào tiền đồng. Nếu phải chấp nhận lãi suất “ âm” khi gửi tiền thì người dân sẽ không thể mặn mà gửi tiền vào ngân hàng.

Chỉ có một cách là lãi suất gửi tiền cao hơn lạm phát, có lãi suất thực dương thì người dân sẽ có động lực để gửi tiền vào hệ thống Ngân hàng. Các giải pháp vừa qua chỉ là tình thế ngắn hạn mà lâu dài không có tác dụng.

* Ông dự báo thế nào về khả năng tỷ giá từ nay tới cuối năm sẽ chỉ dao động 1%?

Với một cá nhân, khi xem xét các lựa chọn khác nhau để đầu tư như giữ tiền đồng hay tiền “đô” thì cần cân nhắc các yếu tố: thứ nhất là độ trượt giá tiền đồng so với USD, căn cứ vào tỷ giá; thứ 2 là yếu tố lãi suất, xem xét xem chênh giữa lãi suất USD và tiền đồng như thế nào; thứ 3 là rủi ro nền kinh tế hiện tại.

Liên quan tới tỷ giá, mức độ gia tăng tín dụng USD tăng nhanh, các khoản vay ngắn hạn tới cuối năm sẽ có nhiều áp lực lên tỷ giá do các khoản vay USD đến kỳ đáo hạn. Tuy nhiên, có yếu tố khả quan khác là từ đầu năm tới giờ Ngân hàng Nhà nước đã mua được tương đối lượng dự trữ ngoại hối, có cơ sở cần thiết để can thiệp thị trường. Tất nhiên, khả năng can thiệp ở mức vừa phải vì mức độ dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn ở mức thấp trong khu vực.

Nếu giả định Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 thống nhất, không cho phép nới lỏng tiền tệ, lãi suất giảm nhanh thì khả năng ổn định tỷ giá là được.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN