Sự trở lại của các tập đoàn bất động sản nước ngoài

Cập nhật 03/12/2010 08:10

Mặc dù thị trường bất động sản toàn cầu tiếp tục chững lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất vào Việt Nam thời gian qua...

Mặc dù thị trường bất động sản toàn cầu tiếp tục chững lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất vào Việt Nam thời gian qua. Sự trở lại của các tập đoàn bất động sản nước ngoài là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của thị trường này.


Nhiều dự án BĐS có số vốn đầu tư rất lớn. Ảnh: HL

Hai năm trở lại đây, dòng vốn FDI vào bất động sản (BĐS) giảm mạnh, sau khi đạt đỉnh vào năm 2008 với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên đến 23,6 tỷ USD chiếm trên 39% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Năm 2009, dòng vốn này giảm mạnh với tổng vốn đăng ký chỉ 7,6 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến hết quý III/2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân hơn 8 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam. Quy mô vốn đầu tư trung bình của một dự án BĐS vẫn giữ mức khá cao, đạt khoảng 144,9 triệu USD/dự án.

Hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài khác tiếp tục mạnh dạn "rót vốn" vào thị trường bất động sản Việt Nam. Mới đây, Capitaland Việt Nam, tập đoàn này đã liên kết với Mitsubishi Estate Asia (MEA) và GIC Real Estate (của quỹ đầu tư GIC thuộc Chính phủ Singapore) thành lập liên doanh, với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD để tập trung đầu tư vào lĩnh vực căn hộ cao cấp ở Việt Nam tại TP. HCM và Hà Nội.

Liên doanh này sẽ xây dựng một dự án căn hộ cao cấp tại khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Đông - Hà Nội), gồm bốn block chung cư, 960 căn hộ cao cấp và dự án 962 căn hộ tại quận 2, TP. HCM cùng hàng loạt trung tâm thương mại lớn tại hai thành phố này.

Quỹ đầu tư Indochina Capital cũng công bố huy động nguồn quỹ hơn 180 triệu USD nhằm đầu tư vào thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam. Quỹ đầu tư này cũng đang có kế hoạch mở thêm hai khoản đầu tư khác vào thị trường BĐS Việt Nam, trong đó 190 triệu USD tại TP. HCM và 533 triệu USD tại Hà Nội.

Tập đoàn Gamuda Land của Malaysia đã mua lại 60%, tức khoảng 82,7 triệu USD tại một dự án do Công ty CP đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng làm chủ đầu tư tại TP. HCM; Tập đoàn Daewon của Hàn Quốc liên doanh với một doanh nghiệp trong nước triển khai dự án có vốn đầu tư tới 120 triệu USD…

Thị trường BĐS là một trong những thị trường có vai trò, vị trí quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Thị trường này có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện còn rất lớn. Tại TP. Hà Nội, mỗi năm các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 triệu m2 nhà ở. Tại TP. HCM, con số này là 3,5 triệu m2. Trên địa bàn cả nước, hiện có trên 2500 dự án nhà ở, khu đô thị mới và dự án kinh doanh BĐS khác với diện tích khoảng 80.000 ha đã và đang triển khai đầu tư xây dựng.

Thị trường BĐS có nguồn vốn đầu tư rất lớn, rất nhiều dự án lên tới hàng chục tỷ USD. Thế nhưng, thị trường BĐS Việt Nam lại hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tiến độ nhiều dự án bị đình trệ cũng như làm nảy sinh nhiều hoạt động góp vốn bất hợp pháp cũng như những chiêu thức lừa đảo của một số chủ đầu tư dự án không có năng lực tài chính. Chính vì vậy, trước sự gia tăng dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để thị trường BĐS có thể phát triển ổn định.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn