“Sóng” cổ phiếu bất động sản

Cập nhật 22/09/2009 09:55

Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản có thế mạnh về đất đang là đích ngắm của nhà đầu tư.

Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản có thế mạnh về đất đang là đích ngắm của nhà đầu tư.

Chỉ số VN- Index tiếp tục đi lên, giá cổ phiếu ngành bất động sản (BĐS) có phiên tăng, phiên giảm. Thế nhưng, tại nhiều phiên giao dịch gần đây, một số cổ phiếu BĐS đã bứt phá mạnh mẽ, tạo nên những cơn sóng trên sàn TPHCM.
 

Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản có dự án ở vị trí đắc địa được nhà đầu tư quan tâm. Trong ảnh: Một chung cư cao cấp tại quận 4 - TPHCM. Ảnh: H.Thúy.


 Sức mua áp đảo

Ngày đầu tiên niêm yết (9-9), cổ phiếu của Công ty Vạn Phát Hưng (VPH) và Công ty Đầu tư BĐS VN (VNI) đã tăng hết biên độ cho phép 20%. VPH chào sàn 30.000 đồng/cổ phiếu lập tức leo lên 36.000 đồng/cổ phiếu. VNI cũng vọt lên 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng 5.000 đồng/cổ phiếu so với giá chào sàn là 25.000 đồng/cổ phiếu. Bảy phiên giao dịch kế tiếp, VPH và VNI liên tục tăng trần, dư bán bằng không, dư mua mỗi phiên từ vài trăm ngàn đến cả triệu cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong 8 phiên giao dịch, giá cổ phiếu VPH và VNI đã tăng trên 50%. VPH giao dịch ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu, VNI khớp lệnh thành công 42.000 đồng/cổ phiếu (ngày 18-9).

Với 5 phiên giao dịch (từ ngày 14 đến 18-9), giá cổ phiếu của những tên tuổi như HAG (Công ty Hoàng Anh Gia Lai) 4 phiên tăng giá, một phiên giảm giá; chênh lệch mua – bán hàng triệu cổ phiếu. SJS (Công ty Đầu tư - Phát triển đô thị và khu công nghiệp sông Đà) có 3 phiên tăng trần, 2 phiên giảm giá; dư mua áp đảo dư bán. Cổ phiếu BCI (Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh) có 4 phiên tăng giá, một phiên đứng giá...

Lợi thế về đất

Giới phân tích cho rằng yếu tố chính làm cổ phiếu BĐS dậy sóng là doanh nghiệp đang nắm giữ quỹ đất lớn, có vị trí đắc địa tại các khu vực phù hợp với hướng mở rộng đô thị của TPHCM và Hà Nội. Trong khi đó, đất nền có xu hướng tăng giá và giao dịch đất ngày càng ấm lên nên nhiều người kỳ vọng giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ tăng trong tương lai, kéo giá cổ phiếu tăng theo.

Tại TPHCM, VPH đang triển khai dự án khu dân cư Phú Xuân và Phú Xuân 2 (huyện Nhà Bè) với tổng diện tích đất hơn 47.000 m2. VNI nắm giữ hơn 18.000 m2 đất của dự án trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Vinaland Tower, Saigon South Center và đã đền bù được hơn 80% diện tích đất. BCI đầu tư 100% vốn xây dựng dự án cao ốc An Lạc Plaza trên khu đất gần 8.000 m2. Hàng loạt dự án của HAG cũng tọa lạc tại quận 2, quận 7. Tại Hà Nội, SJS cũng sở hữu trên 300 ha để thực hiện các dự án tại khu đô thị Nam An Khánh.

Đại gia vẫn ôm hàng

Mặc dù một số tổ chức trong nước và quốc tế đã chốt lời cổ phiếu ngành BĐS nhưng động thái đó gần như tác động không đáng kể đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp có thế mạnh về đất. Quỹ đầu tư chứng khoán VF1, VF4, VF2 đã bán hơn 400.000 cổ phiếu SJS nhưng giá cổ phiếu SJS vẫn không giảm, bởi đó là thời cơ để các nhà đầu tư mua vào. Trong khi đó, việc Quỹ Đầu tư Dragon Capital và Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mạnh tay mua 2,8 triệu cổ phiếu HAG cho thấy các tổ chức kỳ vọng rất lớn vào cổ phiếu BĐS.

Nhiều người cho rằng động thái gom hàng HAG và SJS của các tổ chức đã tạo nên làn sóng dồn vốn vào VPH,VNI... của nhiều nhà đầu tư khác. Điều này thể hiện khá rõ khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng sức mua khiến room đầu tư nước ngoài của một số chứng khoán BĐS tăng dần lên. Cụ thể, tỉ lệ sở hữu của nước ngoài tại BCI đã lên tới 26,29%, SJS tăng lên 21,62%, HAG lên gần 20% (số liệu ngày 18-9).


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động