Dư nợ tín dụng BĐS trong hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng dưới 10% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng dư nợ thực cho vay BĐS ước chừng phải lên gần 20%, nếu cộng cả cho vay BĐS ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng...
Dư nợ tín dụng BĐS trong hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng dưới 10% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng dư nợ thực cho vay BĐS ước chừng phải lên gần 20%, nếu cộng cả cho vay BĐS ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng...
Trên thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp (DN) phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động vốn từ khách hàng. Hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, theo Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn (thay vì 45% như hiện nay). Điều này có nghĩa, nguồn tín dụng chính cung cấp cho các dự án BĐS sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Kiểm soát là cần thiết
Thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng BĐS trong hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng dưới 10% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng dư nợ thực cho vay BĐS ước chừng phải lên gần 20%, nếu cộng cả cho vay BĐS ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng. Vì hiện tỷ trọng cho vay tiêu dùng ở mức 18%, trong đó có hơn một nửa là cho vay mua nhà.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, tỷ trọng cho vay BĐS khoảng 20% tổng dư nợ thì con số tuyệt đối là 1,36 triệu tỷ đồng.
Đây là con số rất lớn, nếu không kiểm soát, tín dụng tiếp tục đổ vào thị trường này sẽ có nguy cơ tạo ra bong bóng trong thời gian tới. Và thực tế cho thấy, trong năm 2018, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua vài cơn sốt đất, trong đó có nguyên nhân nguồn tín dụng ngân hàng chảy vào thị trường này gây cơn bão giá.
Chính vì thế, NHNN cần thiết phải siết quy mô cho vay BĐS, ngay cả khi việc kiểm soát này sẽ tác động nhất định đến thị trường BĐS trong thời gian tới.
Thống kê từ các công ty chứng khoán của 16 ngân hàng niêm yết lên sàn, tính đến hết tháng 9-2018, ngoài 2 ngân hàng đang tái cơ cấu là Sacombank và Eximbank có nợ xấu giảm, còn nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh 20% - 40% so với cuối năm 2017, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Cụ thể, tại VietinBank, nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn nhất 72% trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất với mức tăng 68% so với cuối năm 2017, lên 8.739 tỷ đồng. Nợ xấu của MBBank cũng tăng 45% so với cuối năm 2017, trong đó nợ nhóm 5 tăng 62%. Tại BIDV, số dư nợ xấu hiện ở mức 17.000 tỷ đồng, tăng 21,1%, trong đó nợ nhóm 5 tăng 47%. BacABank có nợ nhóm 5 ở mức 419,6 tỷ đồng, tăng 24,4%, khiến dư nợ xấu lũy kế 9 tháng tăng 22,15%, lên 431 tỷ đồng…