Đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán là định hướng trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh |
Động thái niêm yết nhộn nhịp ngay cả trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2010 có thể xem là tín hiệu tốt đối với thị trường.
Sự bận rộn của dịp giáp Tết không làm không khí niêm yết bị nguội lạnh, trái lại động thái niêm yết mới của các doanh nghiệp càng rộn ràng hơn.
Đầu tháng 2/2010, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đón 2 doanh nghiệp lên sàn là Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) và Công ty cổ phần Hà Đô (HDG).
Với vốn điều lệ 332 tỷ đồng, KDH có trụ sở tại TP.HCM, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Trong các năm 2007 và 2008, lợi nhuận mang lại từ kinh doanh bất động sản chiếm 95% lợi nhuận của KDH; phần còn đến từ hoạt động xây dựng của Công ty Long Phước Điền (công ty con của KDH).
Cũng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, nhưng HDG có trụ sở chính tại Hà Nội. Công ty cổ phần Hà Đô đang đầu tư khoảng 20 dự án tại khu vực Hà Nội và TP.HCM. Chẳng hạn, Dự án Khu đô thị An Khánh - An Thượng, có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, có diện tích 225.174 m2; Dự án 183 - Hoàng Văn Thái với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng; Dự án Khu biệt thự Villa Sư Vạn Hạnh; Khu đô thị quận 12; Khu đô thị Thạch Mỹ Lợi (TP.HCM); Khu đô thị Villa Hado…
Ông Phạm Vĩnh Thành, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) cho biết, để phù hợp với tình hình thị trường, KLS đã tư vấn cho Hà Đô lấy giá trung bình của 2 phương pháp so sánh chỉ số PE (giá trên thu nhập) và so sánh chỉ số PB (giá trên giá trị sổ sách) để đưa ra mức giá 86.000 đồng/cổ phiếu làm giá tham chiếu cho phiên giao dịch đầu tiên.
Ngoài những doanh nghiệp mới niêm yết, thời gian tới, các sàn chứng khoán sẽ còn tiếp tục bận rộn với những gương mặt mới.
Cụ thể, đầu tháng 2 này, HOSE đã cấp phép niêm yết cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long với mã chứng khoán TLG. Thiên Long có vốn điều lệ 155 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là văn phòng phẩm, thiết bị, đồ dùng học sinh…
Ngoài ra, một doanh nghiệp ngành chứng khoán là Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SBS) cũng không giấu kế hoạch sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE vào cuối quý I/2010.
Tại sàn Hà Nội, Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 5 triệu cổ phiếu. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình phục vụ ngành xăng dầu, xây dựng dân dụng, vật liệu xây dựng, kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, hóa chất, vật tư, thiết bị ngành xăng dầu…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái niêm yết của doanh nghiệp cho thấy, việc đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán là định hướng trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với thị trường chứng khoán, việc có nhiều doanh nghiệp niêm yết không những tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư, mà qua đó, chất lượng công bố thông tin cũng sẽ tốt hơn, nếu doanh nghiệp muốn giữ hình ảnh tốt trong con mắt của giới đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư