Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty con ở TP.HCM

Cập nhật 19/04/2019 17:00

Cuối ngày giao dịch 18-4, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố văn bản của Quốc Cường Gia Lai báo cáo về việc giải thể Công ty CP bất động sản Hiệp Phát tại TP.HCM do hoạt động không hiệu quả.

Cuối ngày giao dịch 18-4, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố văn bản của Quốc Cường Gia Lai báo cáo về việc giải thể Công ty CP bất động sản Hiệp Phát tại TP.HCM do hoạt động không hiệu quả.

Hiện tại, cổ phiếu QCG vẫn đang trong nằm trong diện bị cảnh báo, giao dịch dưới mệnh giá, đạt 5.290 đồng/cổ phiếu chốt ngày giao dịch 18-4 - Ảnh: TRẤN KIÊN

Công ty CP bất động sản Hiệp Phát là một trong bảy công ty con của Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG), do Quốc Cường Gia Lai sở hữu 90% vốn, trụ sở tại số 26 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM. QCG tuyên bố sẽ rút toàn bộ vốn tại công ty con giải thể, do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Trước đó, vào ngày 9-1-2019, Hội đồng quản trị của Quốc Cường Gia Lai từng ra nghị quyết giảm 195,3 tỉ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng.

Ngày 31-12-2018, doanh nghiệp này cũng hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn cổ phần tại công ty CP bất động sản Sông Mã, chỉ còn giữ lại 49,9% vốn cổ phần, chuyển thành khoản đầu tư vào công ty liên kết.

Việc thu hẹp sở hữu và giải thể công ty con của QCG diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp sóng gió.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toàn năm 2018 cho thấy lợi nhuận sau thuế của QCG chỉ còn khoảng 101 tỉ đồng, giảm bốn lần so với năm 2017.

Đáng lưu ý là khoản mục hàng tồn kho bất động sản dở dang tăng 600 tỉ đồng, lên mức trên 7.000 tỉ đồng, trong khi dự phòng rủi ro trích lập chỉ có 5 tỉ đồng, giảm 3 tỉ đồng so với năm 2017.

QCG giải thích rằng các dự án dang dở điển hình bao gồm dự án khu dân cư Phước Kiển, dự án Lavida, dự án De Capella, dự án Sông Đà, dự án Central Premium, dự án Marina Đà Nẵng, dự án khu dân cư 6B...

Doanh thu từ bất động sản của QCG chiếm trên 50% doanh thu thuần, nhưng sụt giảm gần 150 tỉ đồng trong năm 2018. Hoạt động thoái vốn công ty con vào năm ngoái tạo ra khoản thâm hụt 6,5 tỉ đồng, đồng thời lãi cơ bản trên một cổ phiếu QCG chỉ còn 352 đồng, giảm hơn 75% so với năm 2017.

Hiện tại, cổ phiếu QCG vẫn đang trong nằm diện bị cảnh báo, giao dịch dưới mệnh giá, đạt 5.290 đồng/cổ phiếu chốt ngày giao dịch 18-4, ước tính giá trị vốn hóa khoảng 1.455 tỉ đồng.

Theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2018, sau khi ông Nguyễn Quốc Cường từ nhiệm các chức vụ từ ngày 16-11-2018, doanh nghiệp chưa có người thay thế.

Tính đến ngày 8-12-2018, ông Cường vẫn nắm 527.500 cổ phiếu QCG và mẹ ông Cường là bà Nguyễn Thị Như Loan đang nắm gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương khối tài sản trên 500 tỉ đồng.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ