Mua bán vàng trái phép tràn lan, lũng đoạn ngân hàng, lừa đảo hàng loạt... là thực tế nhức nhối được chỉ rõ trong kết luận các “đại án” tham nhũng mới đây, đặc biệt là các vụ liên quan đến ông trùm Nguyễn Đức Kiên và “phù thủy” Huỳnh Thị Huyền Như.
Trùm Kiên trước khi bị bắt - Ảnh: Khả Hòa
|
Trên thực tế, không phải đến ngày 20.8.2012, khi trùm Kiên bị bắt, mà từ trước đó Thanh Niên đã có nhiều bài viết cảnh báo những bất cập từ chính sách đã tạo kẽ hở cho việc thao túng ngân hàng và rủi ro ở thị trường vàng ảo. Thậm chí cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng đã từng phát hiện “một số sai phạm” trong quá trình quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB tại chi nhánh Thăng Long và chi nhánh Hà Nội, nhưng “biện pháp mạnh” vẫn phải chờ đến gần một năm sau, khi đơn thư tố cáo dồn dập chuyển đến cơ quan điều tra.
Tiền không phép
Cuối năm 2008, trùm Kiên đã mở Công ty B&B tại Hà Nội. Cho đến thời điểm ông ta bị bắt, hội đồng quản trị cũng chỉ gói gọn trong gia đình, giữa ông ta với vợ (bà Lan) và em gái (bà Hương). Cơ quan điều tra xác định B&B “không được nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính” nhưng từ khi ra đời đến khi đóng cửa, công ty này đã “quậy tưng” thị trường tài chính. Trong vòng một tháng từ 4.9 đến 5.10.2009, B&B đã vốc gần 1.300 tỉ đồng trên tổng số gần 1.500 tỉ đồng vốn điều lệ đổ vào AFG (Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu) cũng do trùm Kiên làm chủ tịch. Hơn một năm sau, ngày 30.11.2010, chấp hành “lệnh” chồng, bà Lan ký bán 10 triệu trái phiếu (trị giá 1.000 tỉ đồng) B&B cho Ngân hàng ACB, kỳ hạn 10 năm. Tài sản đảm bảo là gần 1 triệu cổ phiếu VietinBank của những thành viên trong gia đình gồm vợ, em gái, em rể, em rể vợ, mẹ vợ, bố vợ. Rút nhanh 1.000 tỉ đồng từ ACB, ông trùm tiếp tục phân phát lại cho các thành viên trong gia đình đi thâu tóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phần hàng loạt công ty khác.
Trong khi đó, Tập đoàn AFG ra đời đầu năm 2007 tại Hà Nội với 10 cổ đông gồm Công ty CP đầu tư Thời Đại do Trần Phú Hòa làm giám đốc; Công ty B&B của trùm Kiên; Nhựa Đại Hưng của Phạm Văn Mẹo; Công ty CP Khang Nga do Trần Hồng Ngữ làm giám đốc; Công ty Tùng Thảo của Nguyễn Thanh Vinh; Công ty SP của Phan Thanh Minh và các cá nhân là Trần Phú Mỹ, Phan Thanh Minh, Đinh Quang Duy, Nguyễn Lê Mai Thảo và cũng không được cấp phép kinh doanh tài chính. Nhưng đến thời điểm vụ án bị phát hiện, cơ quan điều tra xác định trùm Kiên đã chỉ đạo tập đoàn này sử dụng hơn 4.000 tỉ đồng kinh doanh tài chính trái phép, trong đó bao gồm 3.200 tỉ đồng vốn điều lệ, 400 tỉ thu được từ phi vụ phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Phương Nam và 468 tỉ huy động. Cũng tại Hà Nội, Công ty ACBI (Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội) do trùm Kiên thành lập năm 2006 không được nhà nước cho phép kinh doanh tài chính, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm từ tháng 5.2007 đến tháng 4.2008, công ty này đã sử dụng hơn 1.400 tỉ đồng gây náo loạn thị trường tài chính khu vực phía bắc. Đặc biệt còn mua gom hàng trăm tỉ đồng cổ phiếu của 2 ngân hàng lớn là Techcombank và Eximbank.
Tương tự, Công ty ACI (Công ty CP đầu tư Á Châu) tại TP.HCM và Công ty ACI - HN (Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội) của ông trùm cũng bị cáo buộc kinh doanh tài chính trái phép tổng cộng gần 2.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm từ 2008 đến 2011. Trong đó có hơn 1.400 tỉ đồng thu gom cổ phiếu hàng loạt các ngân hàng như VietinBank, Đại Á, KienLongbank, Eximbank, ACB và các công ty dệt may Phố Nối, đầu tư Nam Sao...
Vàng trái phép
Công ty Thiên Nam được trùm Kiên thành lập tại Hà Nội từ năm 1995. Cơ quan điều tra xác định đến thời điểm tháng 6.2000, khi đăng ký thay đổi lần thứ 7 cũng chỉ có các chức năng sản xuất hàng may mặc, xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ và kinh doanh bất động sản, hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng. Nhưng dưới sự chỉ đạo của ông trùm, hoạt động kinh doanh vàng vẫn diễn ra rầm rộ. Đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước “thổi còi”, công ty này thực hiện 49 giao dịch bằng 150.000 ounce để đóng tài khoản đã ủy thác và lỗ hơn 21 triệu USD (tương đương 400 tỉ đồng vào thời điểm đó). Ngoài ra, công ty này còn mua bán vàng vật chất trong nước trái phép với số lượng rất lớn, nhưng lúc bấy giờ các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có động thái gì.
Trên thực tế, theo cơ quan điều tra, từ giữa năm 2008 đến tháng 6.2010, thường trực HĐQT Ngân hàng ACB cũng mở rộng cửa cho 6 công ty của trùm Kiên kinh doanh vàng trạng thái với nước ngoài và kinh doanh vàng thông qua tài khoản của ACB. Đến ngày 30.6.2010, khi Ngân hàng Nhà nước phát văn bản yêu cầu ACB đóng tài khoản kinh doanh vàng với 6 công ty này thì tổng số lỗ lên tới hơn 178 triệu USD (tương đương với hơn 3.400 tỉ đồng vào thời điểm tỷ giá 19.000 đồng), trong khi tài sản ký quỹ của 6 công ty chỉ còn hơn 1.300 tỉ đồng. Từ đây, thủ thuật “lắp đầy” được tiếp tục. ACB cho 6 công ty nhận nợ bắt buộc bằng hình thức ký hợp đồng vay vàng với số lượng tương ứng với khoản lỗ là 91.268 lượng và bổ sung tài sản đảm bảo. Thực hiện chỉ đạo theo hướng này, ACB chi nhánh Thăng Long đã ký hợp đồng “phân phát” số vàng cho từng công ty. Trong đó Công ty ACBI, Công ty ACI - HN và Tập đoàn AFG mỗi đơn vị vay 16.771 lượng; Công ty B&B vay 16.070 lượng, Công ty Thiên Nam vay 14.385 lượng và Công ty ACI vay 10.500 lượng. Việc này đã bị thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội phát hiện và kết luận “vi phạm điều kiện vay vốn, thẩm định cho vay, kiểm tra sau vay và thẩm định tài sản” từ trước khi vụ án được khởi tố.
Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Dù “ép vay”, với quyền lực ông trùm, sau khi ký hợp đồng ACB vẫn phải giải ngân cho 6 công ty trên bán hết vàng ký quỹ. Theo báo cáo của ACB với cơ quan điều tra, tính đến thời điểm 30.4.2013 tổng dư nợ 6 công ty và 5 cá nhân trong gia đình ông trùm tại ngân hàng này đã lên đến hơn 7.300 tỉ đồng, trong khi tổng giá trị tài sản đảm bảo được thẩm định hơn 6.400 tỉ đồng, âm 944 tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên