Phong tỏa nhiều tài sản liên quan đến ông Trần Bắc Hà tại quê nhà

Cập nhật 12/12/2018 14:53

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang phong tỏa các tài sản liên quan đến ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV và ông Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV để phục vụ công tác điều tra.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang phong tỏa các tài sản liên quan đến ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV và ông Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 12-12, nguồn tin riêng của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang tiến hành thủ tục phong tỏa tài sản liên quan đến ông Trần Bắc Hà (SN 1956; quê ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ông Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV tại địa phương này theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Các tài sản bị phong tỏa gồm tài sản sở hữu cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến gia đình của 2 ông này.

Ngôi biệt thự của vợ chồng ông Trần Lục Lang ở trên đường Lê Thanh Nghị, TP Quy Nhơn

"Thời điểm này, các loại tài sản dù đứng tên cá nhân hay doanh nghiệp liên quan đến gia đình 2 ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang đều bị phong tỏa, không cho sang nhượng. Thậm chí, có khối tài sản đã được chuyển nhượng cách đây 1 năm vẫn bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra", nguồn tin tiết lộ.

Phong tỏa resort giá hàng nghìn tỉ đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện vợ chồng ông Trần Bắc Hà không còn tài sản nào mang tên cá nhân tại Bình Định. Tuy nhiên, có 2 doanh nghiệp liên quan đến gia đình ông Hà bị phong tỏa trong đợt này gồm Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn - sở hữu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn và Công ty CP Tập đoàn An Phú.

Trong khi đó, ông Trần Lục Lang có một căn nhà riêng tại TP Quy Nhơn bị phong tỏa. Trước khi bị bắt tạm giam, vợ chồng ông Lang ở tại một ngôi biệt thự trên đường Lê Thanh Nghị, TP Quy Nhơn.

Resort Hoàng Gia Quy Nhơn được ví như khu "đất vàng" bởi có vị trí đắc địa tại trung tâm TP Quy Nhơn với giá thị trường khoảng hơn 100 triệu đồng/m2. Trước đây, Resort Hoàng Gia Quy Nhơn thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sau đó chuyển nhượng lại cho một doanh nghiệp khác với giá khoảng 175 tỉ đồng. Khoảng hơn 10 năm trước, doanh nghiệp này chuyển nhượng resort cho Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn với giá 135 tỉ đồng, do vợ ông Trần Bắc Hà là bà Ngô Kim Lan làm chủ sở hữu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Resort Hoàng Gia Quy Nhơn hiện có giá hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, bà Ngô Kim Lan bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình tại Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn cho em ruột mình là bà Ngô Thị Kim Oanh, ngụ tại TP HCM.

Resort Hoàng Gia Quy Nhơn đã được vợ ông Trần Bắc Hà chuyển nhượng lại cho em ruột cách đây 1 năm

Trong một diễn biến khác, sau khi sở hữu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn, năm 2009, gia đình ông Trần Bắc Hà tiếp tục thành lập Công ty CP Tập đoàn An Phú với số vốn điều lệ 200 tỉ đồng, do con trai ông Hà là ông Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT. Công ty có trụ sở tại 01 Hàn Mặc Tử, TP Quy Nhơn; trùng với địa chỉ trụ sở Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn.

Sau khi thành lập chưa được bao lâu, Công ty CP Tập đoàn An Phú được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng. Khu đô thị được xây dựng tại phường Quang Trung, TP quy Nhơn có tổng diện tích quy hoạch rộng khoảng 36.568 m2. Trong đó, diện tích đất nhà ở gần 13.643 m2, diện tích còn lại xây dựng các hạng mục dịch vụ thương mại và phụ trợ. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà ở hiện đại, cao cấp để bán, chuyển nhượng kết cấu hạ tầng, đất thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, thương mại dịch vụ, tạo điểm nhấn về quy hoạch - không gian kiến trúc khu vực phía Nam TP Quy Nhơn.

Không thua kém gì mẹ và em trai, năm 2014, con gái ông Trần Bắc Hà là chị Trần Lan Phương cũng thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (trụ sở cũng tại địa chỉ 01 Hàn Mặc Tử, TP Quy Nhơn) với số vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và Công ty CP Tập đoàn An Phú của 2 con ông Hà cùng một doanh nghiệp khác được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng.


Dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng 2.900 tỉ đồng của 2 con ông Trần Bắc Hà đã bị thu hồi

Theo đó, dự án được thực hiện tại khu "đất vàng" K200 thuộc Khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn với diện tích đất khoảng 10.840 m2, tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị UBND tỉnh Bình Định thu hồi do chậm triển khai so với cam kết.

Nhiều dự án khủng có bóng dáng Trần Bắc Hà

Trước đó, năm 2009, khi đang giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà cũng triển khai xây dựng dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định với số vốn 500 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do BIDV và UBND tỉnh Bình Định kêu gọi. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai xây dựng dự án đều do toàn bộ những người trong gia đình ông Hà điều hành.

Dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Không chỉ "làm giàu" trên quê hương mình, năm 2016, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Trần Bắc Hà cùng một số người trong gia đình sang nước Lào thuê một ngôi biệt thự rộng hơn 1.000 m2 tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak để ở và thành lập Công ty Sy Bun Huong (tên theo tiếng Lào). Ngay sau đó, doanh nghiệp này triển khai hàng loạt dự án trồng cây nông nghiệp. Trong đó, hiện có 2 dự án trồng cây nông nghiệp khá lớn của doanh nghiệp này đã đến giai đoạn thu hoạch.

Cụ thể, Công ty Sy Bun Huong đã triển khai một dự án trồng cây chanh dây tại huyện Paksong, tỉnh Champasak trên diện tích đất khoảng 10.000 ha và một dự án trồng cây chuối tại tỉnh Savannakhet (cạnh cửa khẩu Lao Bảo) trên diện tích đất khoảng 50.000 ha. Riêng dự án trồng chanh dây tại huyện Paksong đã được xây dựng thêm nhà máy chế biến nước uống đóng hộp và đang được người thân của ông Hà mua thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất.

Trụ sở Công ty Sy Bun Huong trước đây tại Lào

Theo một số doanh nhân Việt Nam đang đầu tư nông nghiệp tại Lào, nếu chưa tính tiền thuê đất, để hình thành được một ha trồng chanh dây cũng như chuối từ lúc sơ khai cho đến khi thu hoạch ở quốc gia này, chi phí đầu tư khoảng 250 triệu đồng/ha bao gồm các khoản kinh phí như san lấp mặt bằng, mua cây giống, thuê nhân công, phân bón... Như vậy, với dự án 10.000 ha trồng chanh dây từ lúc sơ khai đến lúc thu hoạch mà ông Trần Bắc Hà cùng với mộ số người thân đã triển khai, chi phí đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Như đã thông tin, ngày 29-11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với các bị can gồm: ông Trần Bắc Hà , nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.

Riêng bị can Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Cả 4 bị can cùng bị khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", theo quy định tại điều 206 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ