Phập phù vốn ngoại

Cập nhật 12/12/2010 08:15

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng có khá nhiều dự án được công bố vốn đầu tư nước ngoài nhưng đến khi triển khai lại vay tiền trong nước

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng có khá nhiều dự án được công bố vốn đầu tư nước ngoài nhưng đến khi triển khai lại vay tiền trong nước

Dù tình hình mua bán trên thị trường bất động sản (BĐS) ở Việt Nam trong thời gian qua còn khá èo uột, giá nhà đất lình xình bởi nhiều nguyên nhân nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, một dòng tiền mới của các tập đoàn BĐS nước ngoài, cũng như quỹ đầu tư liên tục được “bơm” vào lĩnh vực này.

Trước hiện tượng đó, các chuyên gia địa ốc có những nhận định trái ngược, phần lớn đều cho rằng giá nhà đất sau một thời gian giảm mạnh nên đây là thời điểm tốt để đầu tư, song số còn lại nghi ngại về ghi vốn thì nhiều nhưng rót vào thật thì chẳng bao nhiêu.

Ghi vốn ồ ạt


Mới đây, Indochina Land đã công bố đầu tư thêm vào thị trường nhà ở Việt nam 180,3 triệu USD. Ngày 24-11-2010, Capitaland Việt Nam cùng với Mitsubishi Estate Asia (MEA) và GIC Real Estate (của Quỹ Đầu tư GIC thuộc Chính phủ Singapore) ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD.

Trong đó, Capitaland nắm 50%, Mitsubishi Estate 25% và GIC Real Estate 25%. Liên doanh này sẽ đầu tư vào lĩnh vực căn hộ cao cấp ở Việt Nam tại hai thị trường lớn là TPHCM và Hà Nội.


Bất động sản và xây dựng ở TPHCM cần nhiều vốn ngoại. Ảnh: Tấn Thạnh

Trước đó, Indochina Capital cũng công bố đã huy động quỹ BĐS thứ 3 với tổng số vốn 180,3 triệu USD nhằm đầu tư vào thị trường nhà ở cao cấp tại Hà Nội và TPHCM. Việc thành lập quỹ này đã nâng tổng số vốn mà Indochina Land đang quản lý lên gần 500 triệu USD.

Ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital, nói: “Các trung tâm đô thị ở Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế cả nước, hấp dẫn nguồn nhân lực và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Indochina Capital đang có kế hoạch sắp xếp 2 khoản đầu tư khác với 190 triệu USD tại TPHCM và 533 triệu USD tại Hà Nội”.

Nhà đất vẫn hấp dẫn

Lý giải về xu hướng vào thị trường BĐS Việt Nam của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho biết: “Đầu tư vào BĐS đang có xu hướng tăng dần lên khi thị trường chứng khoán không còn hiệu quả, tỉ giá USD và giá vàng luôn có sự biến động phức tạp. Trong khi đó, kênh đầu tư BĐS hiện nay được cho là khá an toàn và đem lại lợi nhuận nhất định cho nhà đầu tư”

Trong 2 năm trở lại đây, dòng vốn FDI vào BĐS giảm mạnh, sau khi đạt đỉnh vào năm 2008 với tổng số vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 23,6 tỉ USD, tương đương chiếm trên 39% tổng vốn FDI đăng ký.

Năm 2009, dòng vốn này giảm mạnh với tổng vốn đăng ký 7,6 tỉ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2010, lượng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS đạt 2,7 tỉ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn, hiện đang trong quá trình phục hồi đi lên thì những nước đang phát triển vẫn là điểm sáng cho sự đầu tư trở lại.

Dự án “ngoại”, vốn nội


Có thể thấy những con số nêu trên rất hấp dẫn song thị trường này luôn biến động khó lường. Nhiều người cho rằng nguồn vốn ngoại chảy vào BĐS là tín hiệu tích cực góp phần “phá băng” thị trường.

Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là dòng vốn ngoại vẫn chưa đem lại diện mạo mới cho thị trường BĐS Việt Nam. Thực vậy, thời gian qua, tại TPHCM và một số địa phương khác đã có rất nhiều dự án BĐS bị rút giấy phép với nguyên nhân chậm triển khai, hết thời hạn giấy phép hay do công ty mẹ ở nước ngoài bị phá sản.

Hàng loạt dự án “tỉ đô” được cấp phép rầm rộ vài năm gần đây cũng đang im hơi lặng tiếng. Từ đó, các chuyên gia đã cảnh báo về hiện tượng có khá nhiều dự án được công bố với chủ đầu tư là các quỹ đầu tư “mác” ngoại nhưng đến khi triển khai, lại công bố là vay tiền từ các ngân hàng trong nước.

Theo các chuyên gia, các dự án BĐS thương mại chỉ 10% là vốn FDI thật, sau đó vốn đăng ký có tăng lên nhưng nhiều dự án chậm triển khai bởi chủ đầu tư chờ giá đất tăng để bán lại kiếm lời.

Không ít nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng chính sách của Việt Nam để thu lợi, nhất là trong lĩnh vực BĐS. Họ có thể chỉ cần bỏ ra chi phí ban đầu, như xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng, sau đó sử dụng thương hiệu của mình để huy động vốn của dân, vay ngân hàng triển khai dự án.

Nguồn lãi thu được từ cách làm này là khá lớn. Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đều thừa nhận thực tế này và cho rằng đã đến lúc cần phải xem xét, đánh giá lại hoạt động đầu tư nước ngoài bằng vốn trong nước trong lĩnh vực BĐS để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm”, trốn lậu thuế còn phổ biến; giá cả BĐS biến động đột biến so với mức thu nhập...

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động