Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước, sau 6 tháng, nợ xấu bất động sản ở mức 6,4% - tăng so với cuối 2012. Bình luận về con số dư nợ và nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng, không đáng lo trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ì ạch từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết những khoản nợ xấu tồn tại từ các năm trước vẫn đang là thách thức lớn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với BĐS tăng 6,3%. Trong khi đó, tỉ lệ nợ xấu cũng tăng lên 6,4%, tương đương với hơn 15,5 nghìn tỷ đồng. Dư nợ bất động sản tăng nhanh tập trung chủ yếu tại phân khúc xây dựng khu đô thị (tăng 14,3%), văn phòng, cao ốc cho thuê (tăng 11,7%)… Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi khi tín dụng cho toàn nền kinh tế chậm, ì ạch, thì không chỉ bất động sản, bất cứ lĩnh vực nào tăng cho vay được đều là tín hiệu tốt, đáng khuyến khích. Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nợ xấu BĐS tăng 6,4% chủ yếu nằm ở những khoản cho vay cũ, còn với những hợp đồng mới, hầu hết các ngân hàng đều thận trọng, nên phần nợ xấu hầu như không nhiều. Con số thực chất là hậu quả của một quá trình phát triển nóng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Dương cho biết, 4 năm trước khi tôi về VN, tôi đã thấy con số tăng trưởng vượt mức bình thường, lên tới 30%, trong khi đó tại các nước phát triển, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chỉ ở khoảng 10%. Điều này cho thấy, tốc độ phát triển tại các ngân hàng Việt Nam quá nóng, chủ yếu là do cho vay bất động sản quá dễ dãi.
Khi thị trường BĐS phát triển nóng, quan hệ giữa ngân hàng và BĐS rất bền chặt và có phần dễ dãi trong việc cho vay. Không chỉ các DN vay vốn ngân hàng, mà số lượng các nhà đầu cơ, đầu tư nhỏ lẻ vay tiền ngân hàng để đổ vào BĐS cũng chiếm số lượng lớn.
Trở lại với con số nợ xấu BĐS tăng 6,4%/năm, một luồng ý kiến khác lại cho rằng: Con số chưa thấy việc xử lý nợ xấu thời gian qua còn chưa rốt ráo, chưa thấy hiệu quả tích cực. Thực tế, nợ xấu và hàng tồn kho có quan hệ khăng khít với nhau. Khi mà hàng tồn kho chưa được giải phóng, thì nợ xấu tại ngân hàng vẫn còn đó. Thời gian qua tuy có nhiều chính sách hỗ trợ cho thị trường, nhưng lại chưa tập trung vào giải quyết hàng tồn kho.
Theo ông Trương Chí Kiên – Phó TGĐ Cty CP Him Lam, cụ thể chúng ta đang giải quyết nợ xấu của hàng tổn kho bất động sản, trong khi đó giải pháp 30000 tỷ vừa tung ra chưa giải quyết hiệu quả hàng tồn kho, bởi vì hàng tồn kho của chúng ta hầu hết là những sản phẩm có diện tích lớn, giá cao, mà gói giải pháp đó lại không hoàn toàn giải quyết vấn đề đấy.
Trong tháng 6 vừa qua, Công ty mua bán nợ xấu VAMC cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của công ty này đối với nợ xấu BĐS như thế nào vẫn đang gây tranh cãi.
Dư nợ BĐS tăng trong 6 tháng đầu năm là tín hiệu cho thấy, sau một thời gian dè dặt cho vay đối với BĐS, các ngân hàng đã bắt đầu mở hầu bao đối với những dự án tốt, có tính khả thi cao. Con số nợ xấu của BĐS cũng được các chuyên gia đánh giá là trong tầm kiểm soát. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ tự biết cân đối để không cho vay quá nhiều vào những phần rủi ro cao, nên ngay cả khi dư nợ cho vay bất động sản tăng cao, cũng không quá đáng ngại. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu tồn đọng từ những năm trước vẫn chưa có một lộ trình cụ thể.
DiaOcOnline.vn - Theo VITV