Nợ xấu bất động sản: Chưa "xấu" lắm?

Cập nhật 14/02/2012 16:05

Theo nhận định của Ngân hàng nhà nước, việc doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần phải có rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ thực sự.

Theo nhận định của Ngân hàng nhà nước, việc doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần phải có rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ thực sự.

Tín dụng BĐS sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012 (ảnh minh họa)

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến, tỷ lệ dư nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS tính đến 31/12/2011 là 3.52% và đang có xu hướng giảm.

Tỷ lệ nợ xấu này có nguyên nhân là do nhiều dự án mà ngân hàng đã mạnh tay cho vay trước đây bị mất khả năng thanh khoản, cộng với lãi suất từ đầu năm tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ.

“Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường BĐS từ đầu năm 2011 trở về trước, theo NHNN thì việc doanh nghiệp BĐS phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần phải có rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ thực sự.” – ông Tiến khẳng định.

Mặt bằng giá BĐS hiện nay quá cao so với khả năng của số đông người dân và so với giá trị thực của BĐS do bị làm giá, mua đi bán lại qua nhiều tay trong giai đoạn trước đây.

Do vậy quan điểm của lãnh đạo NHNN cần phải thận trọng khi tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường này. Cụ thể là nếu cho doanh nghiệp vay để hình thành BĐS, tăng nguồn cung trên thị trường thì làm tăng tình trạng mất cân đối, đặc biệt là đối với các phân khúc nhà ở đang ở tình trạng thanh khoản kém.

Còn nếu cho vay mua BĐS sẽ làm giá cả tăng lên. Giá tăng lên làm cho các đối tượng cần hỗ trợ nhà ở càng khó khăn, nhà nước sẽ tốn kém hơn. Và như vậy chỉ các nhà đầu tư có lợi, đặc biệt là trong điều kiện tính minh bạch của thị trường thấp, chưa có biện pháp xử lý.

“Quan trọng hơn nữa, nếu không kiểm soát cho vay BĐS sẽ rất khó kiểm soát lạm phát và khó đưa lãi suất trở về mặt bằng thấp hơn hiện nay, kéo dài khó khăn cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.” - Phó Thống đốc nói.

Mới đây, NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2012. Theo đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản vẫn bị xếp vào nhóm không khuyến khích.

Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận loại trừ các khoản dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn như: xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng năm 2012...

Trường hợp tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng và/hoặc tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích vượt mức quy định, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam và các biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí