Quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước kéo dài một phần do việc xác định tài sản đất của các đơn vị.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng quá trình cổ phần hoá thời gian qua bị chậm do liên quan đến việc xác định và xác lập hồ sơ pháp lý đất đai thuộc sở hữu các đơn vị này.
Lý giải vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, thực tế, có nhiều doanh nghiệp nhà nước (như tại TP HCM) có quỹ đất lớn nên sống nhờ cho thuê đất, không kinh doanh ngành nghề chính. Trong khi đó, doanh nghiệp khi cổ phần hoá cần phải được rà soát, quy hoạch lại các tài sản này, nơi nào không dùng thì thu hồi trả lại cho địa phương.
Bên cạnh đó, theo ông, quá trình cổ phần hoá là sự dịch chuyển từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang đa sở hữu, nên cần phải định giá tài sản, trong đó có đất đai. Tuy nhiên, trước đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước trải qua quá trình chuyển đổi, thay đổi mô hình nên các thủ tục pháp lý trên giấy tờ, con dấu, giấy chứng nhận cũng thay đổi, thậm chí không còn nữa. Vì thế, theo ông Tiến, các thủ tục pháp lý về đất đai thường gặp rắc rối về hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc dẫn đến việc xác định kéo dài.
"Từ thời cách mạng giao đất, đôi khi chỉ là tờ giấy viết tay. Khi cổ phần hoá thì phải xem lại các giấy tờ đó và xác định lại. Việc triển khai cũng gặp không ít các trục trặc, vướng mắc từ phía các địa phương", ông Tiến nói.
Ông cũng dẫn chứng trường hợp của Công ty cồ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) được cổ phần hoá từ năm 2007 đến nay vẫn chưa quyết toán cổ phần hoá do vướng mắc về đất đai.
Tại buổi họp báo chiều 19/11, Bộ Tài chính cũng cho biết, tiến độ triển khai cổ phần hoá trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm và có khả năng không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. TP HCM phải cổ phần hoá 39 doanh nghiệp, chiếm 44% doanh nghiệp phải cổ phần hoá năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai được đơn vị nào. TP Hà Nội phải cổ phần hoá 14 doanh nghiệp, chiếm 16% tổng số cả nước và đến nay cũng chưa triển khai được đơn vị nào.
Một loạt đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn 2017 với số lượng doanh nghiệp và giá trị lớn như Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái vốn khoảng 7.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là 2.400 tỷ đồng...
Lý giải về sự chậm trễ này, Bộ Tài chính cho rằng trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa rõ ràng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn thiếu sự nghiêm túc.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress