Trong khi ngân hàng siết chặt điều kiện giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, người mua nhà xã hội nếu vay cũng chỉ lựa chọn khoản vay ở mức tối thiểu.
Chỉ có 862,45 tỷ đồng được giải ngân đến doanh nghiệp và khách hàng cá nhân (tính đến ngày 15/1/2014) trong tổng số 30.000 tỷ đồng gói tín dụng ưu đãi cho bất động sản. Khoản tiền tương đương gần 3% so với tổng gói tín dụng sau hơn 6 tháng được cho là tốc độ giải ngân quá yếu kém của các ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, gói tín dụng ưu đãi cho bất động sản đã hoàn toàn thất bại.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp đang xem xét ban hành Thông tư liên tịch liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội đang được nới lỏng. Ảnh: C.C
|
Các nội dung được nới rộng gồm: cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (thế chấp hợp đồng mua bán) để vay vốn trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng; giảm lãi suất ưu đãi từ mức 6% như hiện nay xuống còn 5%; đồng thời, kéo dài thời hạn cho vay lên mức tối đa 15 năm đối với khách hàng cá nhân và 10 năm đối với khách hàng doanh nghiệp (các mức tương ứng theo quy định cũ là 10 năm và 5 năm).
Tham gia phân bổ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, ngoài BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank và MHB, sẽ có thêm 3 - 5 ngân hàng khác.
Thay mặt các ngân hàng thương mại cổ phần, lãnh đạo BIDV cũng vừa đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong năm 2014, như tập trung vào các dự án lớn, sắp hoàn thiện; đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ trong lĩnh vực bất động sản; tái cơ cấu sản phẩm tập trung vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, từng bước giảm mặt bằng giá bất động sản…
BIDV còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, đang xây dựng dở dang được vay vốn theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng nên cho phép người mua nhà ở xã hội được nhận ngay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và được chuyển nhượng khi có giấy chứng nhận này.
Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, những kiến nghị trên của BIDV được lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và cam kết cụ thể hoá trong quý I/2014.
Trong khi đó, với việc Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10/1/2014, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội sẽ tiếp tục mở ra. Theo Điều 12, Nghị định này, “các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành một lượng vốn (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng”.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, song nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, gói tín dụng này và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã có hiệu ứng lan tỏa nhất định. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nhà ở xã hội. Người dân ở các thành phố lớn, như Hà Nội và TP.HCM, đã có thể mua được các căn hộ bằng khoản tiền vài trăm triệu đồng từ tích luỹ cá nhân và vay thêm ngân hàng trả góp trong vòng 5 - 10 năm.
Thực tế, tại những dự án nhà ở xã hội đã khởi công xây dựng và đủ điều kiện mở bán, như Dự án Nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), hay các dự án nhà ở thương mại giá rẻ Tân Tây Đô (Hoài Đức, Hà Nội), CT2 Xuân Phương (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều khách hàng đã vay được vốn từ gói tín dụng ưu đãi. Thậm chí, trong các đợt mở bán tại Khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ, chủ đầu tư (Công ty Phát triển hạ tầng đô thị Viglacera) còn mời ngân hàng tài trợ vốn tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để giải quyết các vướng mắc trong việc vay vốn ưu đãi.
Theo ông Dương Đức Cường, Giám đốc Khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ, việc hợp tác tài trợ vốn cho khách mua nhà tại dự án này rất thuận lợi. “Khách hàng có thể vay tối đa đến 70% giá trị căn hộ, nhưng đa số khách hàng tỏ ra khá “trách nhiệm”, khi chỉ quyết định vay khoảng 50% giá trị căn hộ”, ông Cường cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư