Nguy cơ nợ xấu bất động sản đang cận kề

Cập nhật 06/11/2008 10:00

Bất chấp những động thái tích cực từ việc lãi suất liên tiếp hạ thời gian qua, thị trường BĐS vẫn “án binh bất động” với tỷ lệ giao dịch thành công nhỏ giọt.

Bất chấp những động thái tích cực từ việc lãi suất liên tiếp hạ thời gian qua, thị trường BĐS vẫn “án binh bất động” với tỷ lệ giao dịch thành công nhỏ giọt. Nếu đến cuối năm, tính thanh khoản của thị trường vẫn không được cải thiện, các khoản nợ BĐS hiện nay rất có nguy cơ sẽ biến thành nợ xấu khó đòi.

Mới đây, trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng NN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tổng dư nợ cho vay bất động sản năm nay đã giảm khá nhiều so với năm 2007, hiện ở mức 115 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, khoản nợ thực sự của BĐS khổng lồ hơn rất nhiều nếu tính thêm gần 500 nghìn tỷ đồng tài sản cho vay thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tài sản thế chấp cho vay ở Việt Nam hiện nay đa phần đều là BĐS. Đồng nghĩa với việc nếu thị trường này tiếp tục đóng băng không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS lao đao mà các NHTM cũng đứng trước nguy cơ phá sản do các khoản nợ khó đòi.

Bình luận về số dư nợ BĐS thực sự, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược ngân hàng (NHNN), hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia từng chia sẻ: Đây là con số quá lớn đối với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, nếu thị trường BĐS sụp đổ sẽ kéo “chìm” theo nó hàng loạt NHTM và cả nền kinh tế.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ hiện đang khoảng 2,7%. Nếu nhìn vào con số tương quan với chiến lược NHNN từng đề ra (nợ xấu tới năm 2010 dưới mức 5%) con số này vẫn khả dĩ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nợ xấu BĐS lại tập trung chủ yếu vào các NHTM nhỏ, khả năng tài chính yếu kém, lượng vốn dự phòng không đủ trang trải các khoản nợ xấu khó đòi. Trong khi đó, bất cứ sự suy sụp nào của một NH dù nhỏ cũng sẽ tạo ra lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng, mà hệ quả khó có thể tính hết.

“Cứu BĐS là tự cứu mình”

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, thay vì siết chặt tín dụng BĐS như trước đây, đã đến lúc các NH cần quay lại với mảng thị trường này. Bởi ngân hàng cứu thị trường BĐS cũng là tự cứu mình thoát khỏi nguy cơ các khoản nợ khó đòi.

Mới đây, CTy TNHH CB Richard Ellis đã công bố báo cáo thị trường BĐS trong quý III, theo đó giá nhà ở tất cả các cấp đã giảm khoảng 7-10% dưới đỉnh đạt được trước Tết.

Cụ thể, 20% số dự án tiếp tục giảm giá, 33% số dự án quay trở lại với mức giá hồi giữa năm. Đáng nói là dù giá nhà đã giảm khá nhiều, cộng thêm tín dụng nới lỏng song người mua vẫn không mấy mặn mà. Lượng giao dịch đã giảm rất mạnh so với thời điểm sau Tết.

Nhân viên môi giới một công ty BĐS cũng tiết lộ, trong hai tháng gần đây số lượng giao dịch thành công của công ty anh này chỉ bằng 8-10% so với lúc cao điểm.

“Giá nhà có giảm chút ít nhưng mặt bằng chung vẫn là quá cao so với thu nhập hiện tại của người dân”- ông Liêm nhận định. Bên cạnh đó, người dân vẫn có tâm lý chờ đợi điểm đáy của thị trường khiến thị trường đã “nguội” càng thêm “lạnh”.

Ông Liêm cũng gợi ý thêm rằng, can thiệp vĩ mô, tiếp tục nới lỏng tín dụng với nhà đầu tư và doanh nghiệp BĐS là các biện pháp cần thiết để làm ấm lại thị trường.

Theo đó, 50 nghìn tỷ đồng vốn khả dụng dư thừa của các tổ chức tín dụng hiện nay chính là kênh cho vay hiệu quả nhất. Ngân hàng phải rà soát dự án và khả năng thu hồi nợ trước khi cho vay để đảm bảo an toàn là chuyện tất yếu.

Tuy nhiên, với những dự án có hiệu quả, đã hoàn thành 80-90% nhưng đang bị ghìm bởi nợ quá hạn, ngân hàng có thể tái cấu trúc các khoản nợ, cho doanh nghiệp vay thêm để hoàn thành dự án.

Hơn nữa, với những người dân có nhu cầu mua nhà thực sự, cộng thêm có khả năng trả nợ, các NH nên xem xét nới rộng tỷ lệ vay lên trên 50% giá trị thực sự của căn nhà. Theo quy định hiện hành: Người dân được vay tới 70% giá trị căn nhà, nhưng thực tế căn nhà thường chỉ được định giá 50% giá trị thực tế.

Song nói đi phải nói lại, ngoài việc chờ đợi giúp đỡ từ phía ngân hàng, để thu hút được người mua trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, thị trường BĐS cũng cần phải tự điều chỉnh giá theo hướng trở về với giá trị thực, trong khả năng chi trả của người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News