Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa tới tháng 1, thị trường tài chính ảm đạm

Cập nhật 24/12/2018 14:11

Bất đồng về dự luật ngân sách giữa Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Nhà Trắng có thể khiến một phần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động tới ngày 3/1.

Bất đồng về dự luật ngân sách giữa Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Nhà Trắng có thể khiến một phần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động tới ngày 3/1.

Thông tin do quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaneya, một trong những trợ lý thân cận với Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ với báo giới đã ngay lập tức tác động mạnh tới thị trường tài chính.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ ABC hôm qua, ông Mick Mulvaneya đã không ngần ngại trả lời báo giới rằng, đây là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra. Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa 1 phần có thể kéo dài sau ngày 28 tới, thậm chí tới khi Quốc hội mới của Mỹ bắt đầu phiên họp mới.

“Để thúc đẩy đàm phán, chúng tôi đã đề nghị thương lượng với Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer vào chiều tối qua nhưng bây giờ là kỳ nghỉ. Tôi không cho rằng, mọi thứ sẽ tiến triển nhanh chóng trong vài ngày tới vì còn vướng dịp nghỉ lễ Giáng sinh” - ông Mick Mulvaneya nói.

Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa tới tháng 1/2019. ( Ảnh: Reuters)

Thông tin của trợ lý thân cận với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới. Thị trường chứng khoán châu Á bắt đầu phiên giao dịch đầu tuần mới đầy ảm đạm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại bất ổn chính trị ở Mỹ đang đẩy nước Mỹ vào giai đoạn “không có người chèo lái” khi mà kinh tế toàn cầu vẫn đang phát triển chưa ổn định. Mở đầu phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI của Nhật Bản đã mất 0,38% trong khi nhiều chỉ số chứng khoán Australia mất 0,2%.

Trước đó, ngay khi có thông tin vào cuối tuần qua về việc Chính phủ liên bang Mỹ nhiều khả năng ngừng hoạt động một phần kéo dài qua cả kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự đảo chiều mạnh với 3 ngày giảm điểm liên tiếp. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số S&P 500 có bước sụt giảm mạnh nhất trong tháng 12, gần 12,5% kể từ thời kỳ Đại Suy thoái, trong khi đó chỉ số nhóm công nghệ Nasdaq Composite giảm tới 13,6%.

Tính từ mức kỷ lục hồi cuối tháng 8 vừa qua, Nasdaq Composite đã mất gần 22% giá trị, trong khi S&P cũng không ngoại lệ. Đây được xem là một tuần giao dịch tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm 2008.

Nhằm xoa dịu quan ngại các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này liên tục lao dốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm qua (23/12) đã tiến hành loạt cuộc điện đàm với các ngân hàng hàng đầu của Mỹ và Nhóm làm việc của Tổng thống Donald Trump về Thị trường tài chính, còn được biết đến là Nhóm Bảo hộ thị trường tài chính (PPT). Nhóm Bảo hộ thị trường tài chính, gồm các thành viên như Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bàng Mỹ (FED), Chủ tịch Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ, có nhiệm vụ đưa ra các khuyến cáo tài chính và kinh tế sau những thời điểm thị trường hỗn loạn. Nhóm này từng nhóm họp vào hồi năm 2009, thời điểm hậu cuộc khủng hoảng tài chính.

Với viễn cảnh đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, giới phân tích dự báo, bất đồng giữa Chính phủ và Quốc hội sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, khiến triển vọng nhiều cơ quan của Chính phủ Mỹ có thể hoạt động trở lại vẫn ảm đạm.

“Cả hai đảng đều sẵn sàng nhấn mạnh vào các ưu tiên của họ ngay cả khi chính phủ hoặc nhiều cơ quan chính phủ ngừng hoạt động. Điều này không tốt cho sự hoạt động hiệu quả của Chính phủ Mỹ song đó là một thực tế. Mỹ là một quốc gia chia rẽ. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chỉ có một số vấn đề đồng thuận và họ sẵn sàng đấu tranh cho những gì họ không đồng ý trong vấn đề ngân sách” - ông Lester Munson chuyên gia phân tích an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ nhận xét./.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV