Kể từ hôm qua 26/11, theo quy định của NHNN, hầu hết các NHTM đã dừng nghiệp vụ huy động vàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng bắt đầu áp mức phí giữ hộ vàng cho khách hàng với mức từ 0,01 - 0,05%/năm.
Kể từ hôm qua 26/11, theo quy định của NHNN, hầu hết các NHTM đã dừng nghiệp vụ huy động vàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng bắt đầu áp mức phí giữ hộ vàng cho khách hàng với mức từ 0,01 - 0,05%/năm.
Từ 26/11, các ngân hàng đã ngừng huy động vàng (ảnh minh họa). |
Theo Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 26/11, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải dừng nghiệp vụ huy động vàng. Vì thế, hôm qua và sáng nay 27/11, phần lớn các ngân hàng đã dừng huy động vàng.
Ví dụ như tại một số ngân hàng có nghiệp vụ huy động vàng trước đây như ACB, Eximbank, Việt Á… biểu lãi suất huy động chỉ còn huy động VND, USD và các ngoại tệ khác, chứ không còn danh mục huy động vàng.
Tuy không còn nghiệp vụ huy động vàng, nhưng một số ngân hàng bắt đầu áp dụng mức phí giữ hộ vàng. Tại một số điểm giao dịch của Eximbank, phí giữ hộ vàng cho khách hàng là 0,01%/năm; ACB áp dụng mức phí 0,05%năm… Hiện tại, phí giữ hộ vàng được các ngân hàng thực hiện một mức riêng, chứ không có một mức chung cho hoạt động này.
Trao đổi với báo giới, đại diện Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết đã ký văn bản yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn TPHCM báo cáo tiến độ phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng theo hạn mức đã được cấp tính đến ngày 24/11. Theo đó, các ngân hàng phải báo cáo các biện pháp để tất toán số dư huy động và sử dụng vốn bằng vàng cho NHNN TPHCM chậm nhất ngày 30/11.
Thông tin các ngân hàng buộc phải ngừng huy động vàng và việc gửi vàng tại các ngân hàng sẽ không được trả lãi suất như trước đã tác động đến tâm lý người nắm giữ vàng. Ngay trong ngày 26/11, nhiều người đã quyết định bán vàng.
Theo ghi nhận từ Công ty SJC, nhiều người đã bán vàng SJC do giá vàng trong nước tăng mạnh theo giá vàng thế giới. Nhưng số người bán vàng phần lớn là khách hàng nhỏ lẻ, trước đây đã mua ở mức giá thấp nay bán ra để chốt lời. Do đó, số lượng vàng mà công ty mua vào không nhiều như những đợt sốt giá trước, chỉ khoảng 1.000 lượng trong ngày hôm qua.
Đến sáng nay 27/11, thị trường vàng trong nước cũng không có nhiều biến động, mức giá giao dịch cũng chỉ xoay quanh ngưỡng 47,4 triệu đồng/lượng. Mức giá chênh lệch giữa thị trường trong nước và thế giới vẫn là 3,3 triệu đồng/lượng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, yêu cầu ngân hàng ngừng huy động vàng từ Ngân hàng Nhà nước là một trong những bước đi “đã được tính toán” nhằm tiến tới xóa bỏ “vàng hóa” trong nền kinh tế. Bởi khi các giao dịch cho vay và huy động vàng được loại bỏ, nhu cầu thị trường về vàng cũng sẽ giảm xuống, hạn chế những hệ lụy từ biến động lên xuống của giá vàng đối với nền kinh tế và người dân..
Theo thống kê từ NHNN, 6 tháng qua, các NHTM đã mua ròng được khoảng 60 tấn vàng. Nhưng để tất toán trạng thái vàng và để trả lại cho người gửi vàng mà các ngân hàng đã huy động trước đây thì vẫn còn thiếu hụt khoảng 20 tấn vàng nữa. Thời hạn để các ngân hàng tất toán trạng thái vàng đã được NHNN cho giãn đến 30/6/2013, điều này giúp cho hệ thống ngân hàng giãn được khoảng 33.000 tỷ đồng để không phải mua vàng bù đắp ngay. Nhờ đó, trạng thái thanh khoản trong dịp cuối năm đã được giảm bớt áp lực.
Trả lời trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 13/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Nếu chúng ta còn để tiếp tục tình trạng vàng hóa như trong những năm vừa qua thì một nguồn lực rất lớn của xã hội chúng ta sẽ bị đầu tư, găm giữ vào vàng; hạn chế đến khả năng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nói chung. Do vậy, chính việc chúng ta kiên quyết chống vàng hóa là góp phần khơi thông được nguồn vốn này để phục vụ cho việc phát triển nên kinh tế của đất nước, hay nói một cách khác là để hoạt động cho phục vụ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng đầu tư cho nền kinh tế”.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí