Bị lạm phát quật ngược, giá cả giảm mạnh, giao dịch đình trệ, giới kinh nhà đất trông chờ ngân hàng giải tỏa nghẽn mạch tài chính. Câu trả lời của ngân hàng là: Không thể...
Bị lạm phát quật ngược, giá cả giảm mạnh, giao dịch đình trệ, giới kinh nhà đất trông chờ ngân hàng giải tỏa nghẽn mạch tài chính. Câu trả lời của ngân hàng là: Không thể.
Ngày 9/8, nhiều giải pháp cứu vãn thị trường nhà đất đang trên đà tuột dốc được đem ra mổ xẻ tại Hội thảo tài chính thị trường bất động sản diễn tại TP HCM.
Đây là cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng và giới kinh doanh địa ốc, do Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cùng tạp chí Bất động sản - Nhà đất Việt Nam đồng tổ chức.
Tổng giám đốc Công ty Vinaland, ông Trần Minh Hoàng nói, cuối năm nay khoản vay đối với các doanh nghiệp địa ốc đáo hạn. Nếu xảy ra tình trạng đổ vỡ của các công ty bất động sản, thì hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh, nhất là các sản phẩm cầm cố, thế chấp là nguy cơ trước mắt.
Vì thế, ông Hoàng đề nghị ngân hàng phải có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp để cùng vượt qua thời điểm khó khăn sắp tới: "Thị trường hiện rất nhạy cảm, bế tắc là do nguồn tài chính chưa thể khơi thông. Tín dụng cần được giải quyết sớm để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường".
Đáp trả các yêu cầu nới lỏng tín dụng của doanh nghiệp, Phó vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam Ngân hàng nhà nước Việt Nam, ông Chu An Định lật ngược vấn đề rằng, điều quan trọng là ngành bất động sản nên đưa ra thị trường các sản phẩm có giá phù hợp với túi tiền của khách hàng. Khó khăn hiện nay do cung và cầu không gặp nhau, nguyên nhân nằm ở giá tiền của sản phẩm.
Cho rằng mối liên thông giữa thi trường địa ốc và thị trường tài chính đang có nhiều mâu thuẫn, ông Định phân tích, ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao đồng thời cho vay cũng cao. Hiện nay nhà băng không có cách nào bù lỗ các khoản ngắn hạn này trong khi vay bất động sản là đầu tư dài hạn.
Theo đó, các ngân hàng đều sai lầm khi mở rộng cho vay bất động sản nhưng không chú ý đến chế độ dự trữ bắt buộc. Nợ bất động sản hiện nay không chỉ có tỷ lệ thu hồi thấp mà còn chậm và kém hiệu quả.
Ông Định cho hay từ nay đến cuối năm 2008 việc thắt chặt tiền tệ sẽ được tiến hành linh hoạt hơn trước, bằng chứng là một số ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay.
"Tuy nhiên, không thể yêu cầu một nguồn vốn khổng lồ trong 10-20 năm để cứu thị trường, bởi lẽ, ngân hàng chỉ có thể đảm bảo nguồn vốn phục vụ đầu tư ngắn hạn", ông Định nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các định chế tài chính, tín dụng phi ngân hàng như: quỹ đầu tư bất động sản, tổ chức tái cho vay thế chấp nhà ở, trái phiếu dự án, quỹ tiết kiệm nhà ở...
Các hành lang pháp lý này sẽ cải tiến, dỡ bỏ những rào cản đang hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và ngân hàng thương mại.
Đại điện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Trần Kim Chung kêu gọi doanh nghiệp bất động sản tự bảo vệ mình, tăng cường huy động vốn bằng cách tập trung toàn lực cuốn chiếu các công trình trọng yếu. Nếu một doanh nghiệp không làm xuể thì nên liên kết nhiều doanh nghiệp cùng làm để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Mặt khác, ông Chung còn chỉ ra rằng, doanh nghiệp địa ốc có thể huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, nhân rộng hình thức tiết kiệm bất động sản, phát hành trái phiếu và huy động sự tham gia của các quỹ bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí.
"Hiện nay tại Việt Nam đang manh nha hình thành các công ty tài chính để tài trợ nguồn vốn cho thị trường địa ốc. Trong thời gian tới xu thế này sẽ mạnh dần lên", ông dự báo.
Theo ông Chung, năm 2007, ngân hàng vẫn là đơn vị đầu tư trực tiếp vào bất động sản với dự nợ tính dụng tăng 40% so với năm 2006. Về ngắn hạn không vấn đề gì. Tuy nhiên, về lâu dài, hình thức này không chỉ làm cho nguồn tín dụng bị vận hành thiên lệch mà còn có nguy cơ tạo ra rủi ro ngoài ý muốn cho nền kinh tế.
Ông còn khẳng định thêm, các động thái siết chặt tín dụng, tăng lãi suất và rà soát lại toàn bộ các khoản cho vay... của tất cả các hệ thống ngân hàng hiện nay thực ra là ứng phó tình thế.
Các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện tại
khu Nam TP HCM. Ảnh: Bảo Quân.
Theo VnExpress