Ngân hàng rót hơn 210.000 tỷ đồng vào nhà đất

Cập nhật 16/09/2010 10:45

Bộ Xây dựng vừa gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về tình hình ngành xây dựng năm 2010. Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 20/8/2009 vốn đầu tý trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản...

Những cơn sóng trên thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào động thái chính sách tiền tệ của Nhà nước, theo đánh giá mới đây của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng vừa gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về tình hình ngành xây dựng năm 2010. Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 20/8/2009 vốn đầu tý trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2.358 triệu USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Tính đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2009, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009. Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm ngoái. Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất xấp xỉ 13% mỗi năm hoặc cao hơn.


Thị trường bất động sản đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Ví dụ, trong quý I và đầu quý II/2009 cùng với việc giải ngân gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, một đợt tăng giá ngắn đã diễn ra tại Hà Nội và TP HCM. Đến quý III năm 2009, việc chờ đợi có tiếp tục gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ 4% lãi suất hay không, đã khiến thị trường bất động sản gần như không có biến động về giao dịch và giá cả. Quý IV năm 2009, một số phân khúc thị trường bất động sản tại Hà Nội lại có biến động nhưng không lớn do không có tín hiệu hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Đến quý III năm 2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng, thị trường nhà đất có dấu hiệu đình trệ về giao dịch.

Bộ xây dựng đánh giá, tuy thị trường đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Giá cả hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở vẫn tăng cao, diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Hà Nội tại thời điểm quý II/2010 giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây thành phố (huyện Hoài Đức, quận Hà Đông).

Hệ thống thông tin trên thị trường bất động sản còn thiếu và yếu. Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường địa ốc, đặc biệt là hệ thống tài chính cho phát triển nhà ở hoàn chỉnh. Các chính sách tài chính tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra "bong bóng" nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây "đổ vỡ" thị trường trên diện rộng.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress