Từ đầu năm 2008, “van” tín dụng từ các ngân hàng bắt đầu siết lại đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trước đó, việc cho vay chứng khoán dường như dừng hẳn khi thị trường chứng khoán...
Từ đầu năm 2008, “van” tín dụng từ các ngân hàng bắt đầu siết lại đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trước đó, việc cho vay chứng khoán dường như dừng hẳn khi thị trường chứng khoán (TTCK) đi xuống. Nhưng tới thời điểm này, khi giá BĐS tại nhiều địa bàn trọng điểm như Hà Nội và TPHCM đã giảm nhiệt, TTCK có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhiều ngân hàng đã nối lại hoạt động cho vay BĐS, và cầm cố cổ phiếu. Tuy nhiên, hoạt động cho vay trong 2 lĩnh vực nhạy cảm này vẫn được tiến hành thận trọng.
Nâng cao điều kiện cho vay
Đầu tháng 9, Sacombank triển khai sản phẩm “Cho vay chứng khoán - CK300” với hạn mức tín dụng 300 tỷ đồng. Một khách hàng có cơ hội vay tối đa là 5 tỷ đồng với thời hạn tối đa 2 tháng. Cùng thời điểm này, Eximbank cũng quyết định tăng hạn mức cho vay chứng khoán từ hơn 200 tỷ đồng lên đến 800 tỷ đồng, đi cùng với danh mục nhận cầm cố khoảng 100 cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết.
Mới đây, (ABBank phối hợp cùng Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đã mở dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư vay tiền mua chứng khoán không phải trả lãi suất theo kỳ T+2 với hạn mức bằng 70% tổng giá trị chứng khoán hiện có trong tài khoản hoặc bằng hạn mức ABS cấp. Theo các ngân hàng, gần đây các chỉ số kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát đã có dấu hiệu giảm dần, TTCK có dấu hiệu hồi phục trở lại với chỉ số VN-Index tăng trưởng liên tục và tính thanh khoản của thị trường đã cải thiện đáng kể. Đây chính là cơ hội tốt cho nhu cầu đầu tư và nhu cầu đi vay cầm cố chứng khoán của các nhà đầu tư. Hơn nữa, hiện một số ngân hàng còn dư địa cho vay chứng khoán khá lớn so với quy định hiện hành.
Tuy nhiên, dù thế nào thì cho vay chứng khoán cũng là một lĩnh vực nhạy cảm. Vì thế, trong lần “tái xuất” này, các ngân hàng tỏ ra vô cùng thận trọng bằng việc nâng cao các điều kiện cho vay, cũng như cân nhắc hạn mức cho vay. Ngoài việc cho vay khá ngắn, các ngân hàng sẽ chỉ cho vay đối với những khách hàng có “lịch sử” tín dụng tốt, nhà đầu tư “thân quen”...
Trong năm 2007, tỷ lệ cho vay được các ngân hàng xác định phổ biến 50% – 70% thị giá. Nhưng nay, tỷ lệ này giảm mạnh, như tại Eximbank, tỷ lệ cho vay được xác định không vượt quá 40% thị giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và ngay với trái phiếu chuyển đổi cũng không vượt quá 30% thị giá. Bản thân các nhà đầu tư cũng tỏ ra dè dặt khi vay vốn ngân hàng để chơi chứng khoán. Bài học từ cuối năm 2007, nhà đầu tư nào chủ động về nguồn vốn sẽ dễ ứng phó với biến động thị trường hơn là những ai vay vốn từ ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư cổ phiếu.
Rót vốn cho dự án BĐS minh bạch
Cũng giống như cho vay cầm cố chứng khoán, hoạt động cho vay BĐS của các ngân hàng có thời điểm gần như dừng hẳn. Điều này khiến cho thị trường BĐS gần như đóng băng, nhiều chủ đầu tư lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Một số ý kiến cho rằng, việc thắt quá chặt tín dụng cho BĐS chưa hẳn đã tốt cho nền kinh tế. Các dự án đình trệ, trong khi nhu cầu nhà ở, khách sạn, văn phòng cho thuê... vẫn liên tục tăng cao.
Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước hồi giữa năm nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS ước khoảng 135.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV), mức dư nợ này chưa phải là quá lớn, vấn đề là cách thức quản lý ra sao.
Hiện nay, một số ngân hàng đã nối lại hoạt động cho vay BĐS, nhưng đều rất thận trọng. Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết: “Quan điểm của MB là không dừng hẳn việc cho vay BĐS, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tổng dư nợ của toàn hệ thống liên quan đến BĐS không vượt quá giới hạn tín dụng chung đã được ban lãnh đạo ngân hàng phê duyệt là 10%”. Đối với các khách hàng cá nhân, MB sẽ không cho vay đối với các cá nhân kinh doanh BĐS mà ưu tiên cho vay đối với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua nhà để ở thực sự.
Đối với các dự án, MB ưu tiên các dự án thật sự hiệu quả và nằm tại các vị trí đẹp tại Hà Nội và TPHCM. Nhiều ngân hàng khác cũng không cho vay với các cá nhân kinh doanh, đầu cơ BĐS, nhưng không đóng cửa với những nhu cầu hợp lý khác của khách hàng. Ngân hàng Ngoài Quốc doanh (VPBank) dành hạn mức 2.000 tỷ đồng cho vay BĐS, nhưng chỉ xem xét đối với các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thật sự, những dự án hiệu quả, kết nối được với các nhu cầu của thị trường.
Điều đang được các ngân hàng hướng tới là việc từ đầu năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch. Khi đó, các dự án BĐS sẽ có tính minh bạch cao hơn, là yếu tố quyết định để các ngân hàng rót vốn. “Hiện nay, sự thiếu minh bạch về dự án, về giá chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng khi cho vay. Vì thế, khi đã có được sự minh bạch, các ngân hàng sẽ không còn ngần ngại” – ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc VPBank, nhận định.
Theo Sài Gòn Giải Phóng