Ngân hàng “nhận quả đắng” với tài sản bảo đảm là bất động sản

Cập nhật 18/05/2014 06:43

Để tránh rủi ro, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng phải có tài sản thế chấp cho khoản vay của mình. Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có cả yếu tố chủ quan, nhiều nhà băng vẫn chịu rủi ro với những tài sản bảo đảm, nhất là tài sản bảo đảm là bất động sản.

Để tránh rủi ro, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng phải có tài sản thế chấp cho khoản vay của mình. Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có cả yếu tố chủ quan, nhiều nhà băng vẫn chịu rủi ro với những tài sản bảo đảm, nhất là tài sản bảo đảm là bất động sản.


Dưới đây là 2 trong nhiều trường hợp các ngân hàng gặp rủi ro với tài sản bảo đảm là bất động sản.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển Campuchia cấp hạn mức tín dụng 20 tỷ đồng cho Công ty Khởi Minh để bổ sung vốn lưu động. Công ty Khởi Minh đã đưa nhà và đất tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) làm tài sản bảo đảm. Nhà và đất này đứng tên bà Nguyễn Xuân Hường, một thành viên HĐTV của Công ty.

Quá trình vay vốn, Công ty Khởi Minh không trả được nợ và sau nhiều lần yêu cầu trả nợ không được, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Campuchia đã đệ đơn khởi kiện ra TAND TP. Hà Nội, đề nghị Tòa án buộc Công ty Khởi Minh phải trả nợ, nếu không, Ngân hàng có quyền phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết tại Tòa án đã phát hiện ra hàng loạt vấn đề bất minh liên quan đến sở hữu của tài sản thế chấp là nhà và đất diện tích 193 m2 tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình.

Trước hết, tài sản thế chấp không đúng như miêu tả trong biên bản định giá của Ngân hàng. Giá trị của tài sản bảo đảm cũng thấp hơn rất nhiều, khoảng 3 tỷ đồng, so với định giá của Ngân hàng là 17,3 tỷ đồng. Không những thế, vấn đề sở hữu cũng phức tạp. Nhà và đất được đưa vào làm tài sản bảo đảm trước đây là tài sản của ông Nguyễn Anh Tuấn. Ông Tuấn có vay của bà Nguyễn Xuân Hường 2 tỷ đồng và dùng nhà đất này để thế chấp dưới hình thức chuyển nhượng. Hai bên lập văn bản thỏa thuận việc sang tên là để đảm bảo cho khoản nợ 2 tỷ đồng, khi nào ông Tuấn trả nợ, bà Hường phải sang tên trở lại.

Vụ việc này, Tòa án bác một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Campuchia, không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm.Trong một vụ việc khác, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hà Nội đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty Toàn Thắng, theo đó, công ty này được cấp hạn mức 1,8 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của gia đình ông Long, bà Mai ở Vân Hồ, phường Lê Đại Hành (Hà Nội). Hợp đồng thế chấp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.

Tuy nhiên, đến hạn thanh toán, Công ty Toàn Thắng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trong khi các bên thế chấp không chấp nhận phát mại tài sản, nên BIDV đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Toàn Thắng phải trả nợ, nếu không, BIDV được quyền phát mại nhà đất của ông Long, bà Mai để thu hồi nợ. Sau 2 lần xét xử, Tòa án quyết định Công ty Toàn Thắng phải trả BIDV 2,7 tỷ đồng, nhưng bác yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của nguyên đơn do hợp đồng tín dụng sơ hở.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán