Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng, tỷ giá vẫn về ngưỡng chặn mới

Cập nhật 04/12/2019 09:15

Phiên ngày 2/12, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng thêm 10.718 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên gần 60.000 tỷ đồng...

Phiên ngày 2/12, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng thêm 10.718 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên gần 60.000 tỷ đồng...



Nhằm hỗ trợ, giải toả bớt căng thẳng thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tung vốn hỗ trợ thông qua kênh cầm cố (OMO). Tuy nhiên, lãi suất VND liên ngân hàng vẫn nhích tăng, đồng thời tỷ giá cũng rơi về ngưỡng chặn mới.

Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm qua (2/12), Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Mặt khác, cơ quan này chào thầu 18.000 tỷ đồng trên kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,0%.

Với việc các tổ chức tín dụng hấp thụ 14.718 tỷ đồng và có 4.000 tỷ đồng đáo hạn, phía nhà điều hành đã bơm ròng 10.718 tỷ đồng ra thị trường. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố cũng tăng theo lên mức 59.897 tỷ đồng.

Thông thường, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sẽ giao động quanh vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO, tức khoảng từ 2,25% đến 4,0%. Tuy nhiên, vào tháng cao điểm mùa cuối năm nay, lãi suất VND trên liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mặc cho lượng tiền lớn từ phía Ngân hàng Nhà nước được ngấm trở lại như trên.

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND ngày 2/12 tăng 0,06 - 0,27 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch tại qua đêm 4,10%; 1 tuần 4,22%; 2 tuần 4,32% và 1 tháng 4,36%.

Trong khi đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Giao dịch qua đêm tại 1,73%; 1 tuần 1,81%; 2 tuần 1,93% và 1 tháng 2,10%.

Theo giới chuyên môn, áp lực lãi suất liên ngân hàng thời gian gần đây mang nhiều dấu ấn của chính sách tài khoá mới, bởi từ đầu tháng 11/2019, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước buộc phải kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước. Nguồn tiền này không còn ở tài khoản một số ngân hàng thương mại lớn để có thể tận dụng cho vay trên liên ngân hàng.

Và trên thị trường liên ngân hàng, khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD còn được nới rộng, tỷ giá USD/VND một lần nữa lại chịu sức ép giảm.

Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã hạ 25 VND giá mua ngay USD, xuống mức 23.175 VND/USD nhằm giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn. Nhưng đến cuối ngày hôm qua, tỷ giá trên liên ngân hàng chính thức rơi về đúng ngưỡng chặn này.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm 10 VND ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.230 - 23.260 VND/USD.

Tại dòng sự kiện tiền lệ mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2497/QĐ-NHNN ngày 29/11/2019 về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2019.

Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Như vậy, so với mức 1,2%/năm theo Quyết định 1681/QĐ-NHNN ngày 17/7/2009, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND áp dụng theo quy định mới đã giảm tới 0,4 điểm phần trăm.

DiaOcOnline.vn – Theo Vneconomy