Ngân hàng 2012: Rủi ro thanh khoản còn rất cao

Cập nhật 11/01/2012 14:55

Bước sang năm 2012 mọi người đều rất muốn hình dung ra nền kinh tế sẽ như thế nào, có rất nhiều dự báo nhưng lạm phát, sự trì trệ và thanh khoản ngân hàng vẫn là những nguy cơ thường trực.

Bước sang năm 2012 mọi người đều rất muốn hình dung ra nền kinh tế sẽ như thế nào, có rất nhiều dự báo nhưng lạm phát, sự trì trệ và thanh khoản ngân hàng vẫn là những nguy cơ thường trực.

Trì trệ đi liền với lạm phát


Tại chương trình toạ đàm về: "kịch bản kinh tế 2012 cơ hội và thách thức" do Ủy Ban Giam sát Tài chính Quốc Gia đã tổ chức, tất cả các nhà kinh tế đều có chung nhận định rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 sẽ không đạt mức 6-6,5% như kế hoạch đề ra, mà chỉ đạt mức 5%; Lạm phát sẽ giảm mạnh dưới 10%; Thị trường tài chính tiền tệ đối mặt với vấn đề nan giải là thanh khoản của các ngân hàng thương mại và lãi suất vẫn cao cho dù lạm phát giảm mạnh.

Nói về tăng trưởng trong năm 2012, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế VN cho biết, di sản năm 2011 để lại cho kinh tế VN là xu hướng giảm tốc tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém vẫn chưa có dấu hiệu chặn lại một cách chắc chắn. Kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng đình trệ đi liền với lạm phát cao rất nguy hiểm.


Vì vậy cơ sở cho tăng trưởng 2012 yếu hơn so với các năm trước do khung chính sách để thực thi chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô rất hẹp, vì vậy mức tăng 6% -6,5% mà Chính phủ đề ra và Quốc hội thông qua chỉ là mục tiêu, chưa luận giải tính hợp lý. Với mức lạm phát dự kiến khoảng 9% thì tăng trưởng GDP hợp lý sẽ ở mức 5%.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự báo, lạm phát 2012 có thể giảm mạnh nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro cao và không ổn định. Tiến sỹ Thành phân tích: Do nền kinh tế đang trong tình trạng đình trệ, khi lạm phát giảm xuống thấp sẽ có cơ hội để thúc đẩy tăng sản xuất, nhưng tiền bơm ra sẽ không chuyển hoá vào sản lượng mà nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao, tạo ra sự không ổn định.

Tiến Sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia, thừa nhận kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng vừa lạm phát vừa đình đốn, vì vậy mà khung phát huy chính sách rất hạn hẹp. Nếu kích thích tăng trưởng thì chịu lạm phát cao mà hạn chế thì đình đốn sản xuất, rất khó có chính sách vẹn toàn vừa giảm lạm phát vừa thúc đẩy sản xuất.

Còn về lạm phát, ông Nghĩa cho rằng lạm phát năm 2012 do tác động của các chính sách thời gian qua, Chính phủ không cần làm gì nữa cũng sẽ xuống dưới 10%.

Thanh khoản ngân hàng vẫn khó khăn

Vấn đề kinh tế vĩ mô năm 2012 quan trọng nhất không có gì ngoài tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Nếu không khắc phục được thanh khoản của các ngân hàng thì thì không hạ được lãi suất. Lãi suất không hạ sẽ không phục hồi được thị trường chứng khoán và bất động sản, như vậy sẽ không xử lý được nợ xấu, dẫn đến nợ xấu càng cam go do nằm phần lớn ở thị trường chứng khoán và bất động sản. Nợ xấu cao thì chi phí hoạt động của các ngân hàng tăng vì vậy cho dù lạm phát có giảm thì lãi suất không thể giảm và như vậy các DN sẽ vẫn gặp khó khăn, sản xuất đình trệ.

Nếu ngân hàng Nhà nước lại đi hạ trần lãi suất xuống còn 12% dân sẽ không gửi tiền, thậm chí các ngân hàng lớn sẽ bị người gửi tiền rút vốn, rủi ro thanh khoản cao.

Hiện tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang rất căng thẳng các ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn ngân hàng lớn không tin tưởng không cho ngân hàng nhỏ vay vốn, ngân hàng nhỏ không có vốn để tồn tại cứ ra thị trường "chơi" với mức lãi suất huy động cao. Hiện nay lãi suất động đã phá trần 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết lãi suất huy động trong những ngày gần đây đã được một số ngân hàng đẩy lên mức 19-20% một năm, cao hơn nhiều so với trần 14% mà Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu tuân thủ. Cá biệt, lãi suất huy động có lúc lên tới 21%.

Cùng với thị trường sơ cấp, vấn đề lãi suất cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng trở nên căng thẳng. Theo Tiến sĩ Nghĩa thì ngoài các tài khoản cho vay, các nhà băng còn có thể lách luật tạo các khoản tiền gửi tại ngân hạng. Quan hệ lãi suất trong những trường hợp này hết sức phức tạp. "Cộng cả 2 tài khoản này thì số tiền các ngân hàng cho nhau vay hiện lên tới trên 500.000 tỷ đồng",

Ông Nghĩa cho biết Ngân hàng Nhà nước hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng trong quý 1/2012, nhưng đó là điều không tưởng, phải mất ít nhất là 6 tháng, thậm chí cả năm 2012 để giải quyết tình trạng này, ông Nghĩa nói.

Để giải quyết vấn đề này, theo Ủy ban giam sát Tài chính Quốc gia, là cần bơm tiền để giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn lớn, tiếp theo là tăng dự trữ bắt buộc khiến cho nguồn vốn của các ngân hàng lớn chảy sang các ngân hàng nhỏ giúp giải quyết khó khăn cho ngân hàng nhỏ và cho phép xuất khẩu tài khoản vàng bởi lượng vàng các ngân hàng lưu giữ lớn (Với cách này cũng có thể có thêm 7-8 tỷ USD giúp các ngân hàng tăng thanh khoản).

Tuy nhiên, theo ông Phan Nam Kim, chuyên gia ngân hàng, Việt Kiều Thụỵ Sỹ thì căng thẳng thanh khoản là căn bệnh trầm kha của các ngân hàng thương mại Việt Nam, không phải mới xuất hiện mà có từ lâu. Căn nguyên của nó là dùng vốn vay ngắn hạn cho vay dài hạn. Muốn giải quyết vấn đề này phải giải quyết từ gốc, phải cân bằng thị trường vốn, tạo ra thị trường vốn vững chắc cho các ngân hàng. Hiện lãi suất vay dài hạn không dựa trên tiêu chí nào. Lãi suất huy động ngắn hạn lại cao hơn huy động dài hạn thì ai muốn đầu tư, ông Kim đặt câu hỏi.

Còn theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế chính trị thế giới, căng thẳng thanh khoản của ngân hàng đã có từ nhiều năm nay.Việc cung cấp tín dụng từ ngân hàng cho thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua phải nói là rất bừa bãi. Nếu cứ cung ứng tiền và cho các ngân hàng bán vàng, tiền lại hút sang bất động sản và chứng khoán, mà 2 thị trường này thì cần rất nhiều tiền và như vậy khó khăn về thanh khoản lại tiếp diễn.

Theo ông Sơn không thể cung ứng tiền và cho ngân hàng bán vàng mà cần phải thanh lọc cái gì cần cứu và cái gì chấp nhận bỏ. Sau đó phải sắp sếp lại thị trường chứng khoán và nhất là bất động sản. Tại Việt Nam hiện nhà ở 99% là người dân mua đứt, các chế tài về thuế không có, mua nhà đất "bỏ lọ", tài sản không được lưu thông bình thường, bỏ không sau đó đẩy tiền vào kích giá lên rồi bán ra, người có nhu cầu thực không mua được, chỉ có giới đầu cơ "luộc nấu" lẫn nhau.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF