Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, nếu các DN lớn có vấn đề thì hậu domino sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần những năm trước cộng lại.
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hoãn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng thêm 1 năm – đến 1/6/2014.
Mục đích của NHNN là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho tổ chức tín dụng có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ Thông tư 02.
Việc giãn thời hạn thi hành thông tư này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước khi bối cảnh của nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế lại cho rằng NHNN đã không quyết liệt với quyết tâm xử lý nợ xấu và để lỡ một cơ hội tốt để đưa hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh hơn.
Cho đến thời điểm này, theo nguồn tin của chúng tôi, Thông tư 02 đã được để trên bàn của Thống đốc và sẽ áp dụng sau 6 tháng nữa. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, có thể một lần nữa, NHNN nên gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ nền kinh tế.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với TS Nguyễn Đức Hưởng, chuyên gia tài chính ngân hàng đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
* Gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2014. Trong khi đó, NHNN sẽ áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ vào tháng 6 theo lộ trình, ông dự báo như thế nào về tình hình nợ xấu cũng như khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để phát triển trong năm tới?
TS. Nguyễn Đức Hưởng: Tôi cho rằng nền kinh tế muốn phát triển được phải chờ đến 2016, 2017. Năm 2014 sẽ là năm giữ để cho không đổ bể và năm 2015 là năm để chúng ta ổn định.
TS Nguyễn Đức Hưởng
|
Trong năm nay, có gần 55.000 doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm tới các DN này sẽ không đổ nữa, doanh nghiệp nào còn tồn tại thì sẽ vươn lên, nhưng sự đổ bể sẽ xảy ra với các doanh nghiệp lớn. Mà sự đổ bể sẽ rất nghiêm trọng vì nó có thể gây nên hiệu ứng domino.
Một trong những biện pháp giữ những thành quả thời gian qua, theo tôi là chưa thể áp dụng thông tư 02.
Tôi lấy ví dụ, một DN đang có khoản vay 1 tỷ đồng tại ngân hàng. Trước đây, đến hạn một khoản phải trả lãi là 100 triệu, nếu không trả được thì sẽ ngân hàng sẽ chuyển nợ quá hạn là 1 tỷ đồng. Nhưng khi áp dụng thông tư 02, nếu không trả được phần lãi 100 triệu nói trên thì cũng bị chuyển thành nợ quá hạn. Như vậy, một loạt các khoản nợ sẽ chuyển thành nợ xấu. Có những khoản chưa xấu nhưng sẽ thành rất xấu.
Nếu áp dụng thông tư 02 vào tháng 6 cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục trói doanh nghiệp lại và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt. DN không những không thể hồi phục được mà còn xảy ra sự đổ bể của DN lớn. Nếu các doanh nghiệp lớn có vấn đề thì hậu domino sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần chúng ta chứng kiến trong những năm trước cộng lại.
* Nhưng nếu tiếp tục hoãn Thông tư 02 thì quyết tâm dọn sạch nợ xấu của hệ thống lại bị cản trở, và làm như vậy NHNN có thể mang tiếng là quá nuông chiều các NHTM, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không nghĩ vậy. Việc NHNN lùi thêm thời gian áp dụng Thông tư 02 thực sự là đang giúp doanh nghiệp, giúp nền kinh tế. Tại sao Mỹ bỏ ra bao nhiêu gói kích thích để cứu nền kinh tế trong khi họ là nước tư bản còn chúng ta là XHCN lại không làm?
Trước đây, ngân hàng và doanh nghiệp có lợi nhuận cao thì ai hưởng? Là Nhà nước chứ ai! Bây giờ khi doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước phải ra tay cứu.
Còn nếu bây giờ chỉ nhìn vào một cá nhân, một doanh nghiệp nào đó mà áp cho cả nền kinh tế, quy cho nuông chiều ngân hàng thì không nên. Đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
* Cùng với việc hoãn Thông tư 02, năm 2013 các ngân hàng còn có thêm công cụ xử lý nợ xấu đó là VAMC. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của công ty này?
Trong thời gian đầu, các TCTD còn nghi ngờ về VAMC nhưng giờ đây họ thấy tác dụng rất lớn. Nguồn nợ xấu đó bán đi được hạch toán ra ngoại bảng để theo dõi, TCTD lại được nguồn tiền về và có thể cho vay được chính DN có nợ xấu.
Lẽ ra khoản nợ xấu đó đã đóng băng, ngân hàng không có đồng nào, nhưng giờ đây lại có thêm nguồn vốn giá rẻ. Đây là giải pháp rất tốt không chỉ với TCTD mà với cả DN và nền kinh tế.
Với những nỗ lực của hệ thống và sự hỗ trợ đắc lực từ phía NHNN thời gian qua, theo ông bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng cả năm 2013 sẽ ra sao?
Tôi cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ khó hơn năm trước. Giai đoạn hiện nay các ngân hàng đều phải bớt ăn để tái cơ cấu, đầu tư cho tương lai, mở rộng mạng lưới vào những nơi khi nền kinh tế phát triển để đón cơ hội. Còn nếu các ngân hàng cố gắng có lãi thì vẫn làm được nhưng những năm tới sẽ khó khăn hơn vì thiếu nguồn.
Vâng, xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ