Mua nhà dưới 1 tỷ đồng có thể được vay gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 18/04/2014 13:43

Tính đến hết ngày 15/4, gói hỗ trợ BĐS đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng, tương đương 5,6% (tăng gấp 3 lần tốc độ giải ngân cuối năm 2013). Để tăng tốc giải ngân, Bộ Xây dựng đề xuất các hộ gia đình cá nhân mua nhà dưới 1 tỷ đồng cũng được vay gói 30.000 tỷ

Tính đến hết ngày 15/4, gói hỗ trợ BĐS đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng, tương đương 5,6% (tăng gấp 3 lần tốc độ giải ngân cuối năm 2013). Để tăng tốc giải ngân, Bộ Xây dựng đề xuất các hộ gia đình cá nhân mua nhà dưới 1 tỷ đồng cũng được vay gói 30.000 tỷ


Tại buổi họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sáng nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay tính đến hết ngày 15/4, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng với tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần tốc độ giải ngân cuối năm 2013. Như vậy, so với hết tháng 2, số tiền giải ngân đã tăng gần 500 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng; vay để mua nhà ở xã hội là 2.297 hộ (chiếm tỷ lệ 58% so với tổng số), số tiền là 711 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 47,2% so với tổng số); vay để mua nhà ở thương mại là 1.665 hộ (chiếm tỷ lệ 42% so với tổng số), số tiền là 793 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 52,7% so với tổng số).

Các Ngân hàng đã giải ngân cho 3.941 hộ (chiếm 99,5%) so với số hộ đã được cam kết, số tiền là 975,7 tỷ đồng (chiếm 65%) so với số tiền đã được cam kết; mua nhà ở xã hội là 2.288 hộ, với dư nợ 515,6 tỷ đồng; mua nhà ở thương mại 1.653 hộ, với dư nợ là 460 tỷ đồng.

Tại TP. Hà Nội đã có 2.144 hộ (chiếm tỷ lệ 54% so với cả nước) được cam kết cho vay với số tiền là 829 tỷ đồng (chiếm 55% so với cả nước); trong đó vay để mua nhà ở xã hội là 1.340 hộ với số tiền là 463 tỷ đồng; vay để mua nhà ở thương mại là 804 hộ với số tiền là 367 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 2.139 hộ với số tiền là 496,6 tỷ đồng; mua nhà ở xã hội là 1.340 hộ với dư nợ 300,1 tỷ đồng; mua nhà ở thương mại 799 hộ với dư nợ là 169,5 tỷ đồng.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh đã có 434 hộ (chiếm tỷ lệ 11% so với cả nước) được cam kết cho vay với số tiền là 242 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 16% so với cả nước); trong đó vay để mua nhà ở xã hội là 135 hộ với số tiền là 66 tỷ đồng; vay để mua nhà ở thương mại là 299 hộ với số tiền là 177 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 433 hộ với số tiền là 146 tỷ đồng, mua nhà ở xã hội là 135 hộ với dư nợ 55,3 tỷ đồng, mua nhà ở thương mại 298 hộ với dư nợ là 90,7 tỷ đồng.

Cụ thể: BIDV cam kết cho vay là 1.729,4 tỷ đồng, dư nợ 773,7 tỷ đồng; VietinBank cam kết là 886 tỷ đồng, dư nợ 475 tỷ đồng; Vietcombank cam kết là 385 tỷ đồng, dư nợ 241 tỷ đồng; Agribank cam kết là 306 tỷ đồng, dư nợ 183 tỷ đồng; MHB cam kết là 60 tỷ đồng, dư nợ 26,5 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, mặc dù đầu năm 2014, lãi suất gói 30.000 tỷ đồng đã giảm xuống 5%/năm nhưng mức này vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Ông Nam cho hay chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Bên cạnh đó, thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ của người dân.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng thay vì khống chế về đơn giá và diện tích như hiện nay.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình từ 10 năm lên 15 năm, đề xuất kéo dài thời gian trả nợ, mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng