Không chỉ mua cảng Quy Nhơn với giá bèo rồi không đầu tư gì, hàng loạt doanh nghiệp con của Công ty Hợp Thành còn được cấp phép nhiều dự án với số vốn hàng trăm tỉ đồng ở một số tỉnh nhưng không triển khai
Không chỉ mua cảng Quy Nhơn với giá bèo rồi không đầu tư gì, hàng loạt doanh nghiệp con của Công ty Hợp Thành còn được cấp phép nhiều dự án với số vốn hàng trăm tỉ đồng ở một số tỉnh nhưng không triển khai
Trong số nhiều dự án "nằm trên giấy" được cấp phép cho những công ty "con" của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt Công ty Hợp Thành) có dự án Khai thác và chế biến quặng sắt Vạn Lợi Quảng Ngãi (gọi tắt Dự án quặng sắt VLQN) và Nhà máy Chế biến quặng sắt tại Cụm Công nghiệp (CCN) Hoài Đức (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Hai lần UBND tỉnh phê duyệt gia hạn, dự án vẫn bất động
Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép Dự án quặng sắt VLQN cho Công ty CP VLQN. Dự án được triển khai trên diện tích hơn 200 ha tại khu vực núi Vom (xã Đức Hiệp và Đức Chánh, huyện Mộ Đức) và núi Khoáng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức). Khi cấp phép, dự án được kỳ vọng sẽ đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Sáng 26-1, chúng tôi trở lại khu vực núi Vom, núi Khoáng - những địa điểm được cấp phép triển khai dự án, khung cảnh không có gì thay đổi, không có bất kỳ một dự án nào triển khai. Ông Trần Văn Bảy, một người dân sống gần núi Vom, cho biết mấy năm nay có nghe chính quyền địa phương thông báo sẽ di dời dân để triển khai dự án quặng sắt nhưng rồi không thấy gì. Ông Nguyễn Quang Chính, Chủ tịch UBND xã Đức Chánh, cho biết địa phương được huyện, tỉnh gửi văn bản về dự án quặng sắt VLQN này nhưng mấy năm qua không thấy dự án triển khai. "Khu vực núi Vom có tiềm năng lớn về khoáng sản, đặc biệt các loại đá nhưng do toàn bộ núi Vom được cấp phép cho dự án nên người dân xin khai thác cũng không được, đất đai bỏ hoang. Chúng tôi kiến nghị cần phải chấm dứt dự án, trả lại đất cho địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi" - ông Chính nói.
Khu vực núi Vom, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), nơi triển khai dự án khai thác và chế biến quặng sắt Vạn Lợi Quảng Ngãi, vẫn chẳng động tĩnh gì suốt hơn 8 năm qua Ảnh: TỬ TRỰC |
Địa phương cần đất lại không có
Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết khoảng 100 ha đất có mỏ quặng đá ong ở các xã Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây… của huyện đã được giao cho Công ty CP Khoáng sản Miền Trung nhưng hơn 7 năm qua, chẳng hoạt động gì. Trong khi đó, huyện đang rất cần đất để mở rộng các CCN, tiểu thủ công nghiệp. "Nhu cầu về đất để phát triển kinh tế - xã hội của Hoài Nhơn rất lớn nhưng Công ty CP Khoáng sản Miền Trung chiếm đất xong rồi bỏ hoang khiến huyện gặp rất nhiều khó khăn, người dân bức xúc. Vừa qua, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Định thu hồi những diện tích đất này giao lại cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội" - ông Thương cho biết.
Các dự án ở Hà Tĩnh bị thu hồi
Tại Hà Tĩnh, dự án Nhà máy Thép Vạn Lợi do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh (thành viên của Công ty Hợp Thành) làm chủ đầu tư, xây dựng tại Khu Kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dự án có số vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng tọa lạc trên diện tích 25 ha, khởi công vào năm 2008, công suất 500.000 tấn/năm. Dự kiến năm 2010, nhà máy đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng thì toàn bộ cơ sở vật chất, dây chuyền của dự án này lại rơi vào tình trạng bỏ hoang, phơi mưa nắng hết năm này qua năm khác. Đến năm 2016, sau nhiều nỗ lực cứu vãn dự án bất thành, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh đã thu hồi dự án này. Hệ quả khi dự án bị thu hồi hơn 750 tỉ đồng mà các ngân hàng đã lỡ rót vào dự án này thành nợ xấu.
Do dự án Nhà máy Thép Vạn Lợi nằm ì nên dự án Nhà máy Tuyển quặng công suất 500.000 tấn/năm tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh (vốn đầu tư 158 tỉ đồng) do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh cũng "đi" theo. Sau khi hoàn thành vào tháng 5-2009, nhà máy chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi "đắp chiếu" suốt 6 năm. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ra quyết định thu hồi dự án này. Ngoài ra, cũng tại Hà Tĩnh vào năm 2017, dự án Nhà máy Sản xuất than cốc (vốn 1.400 tỉ đồng) và dự án Nhà máy Sản xuất khí công nghiệp oxy, nito (vốn 200 tỉ đồng) tại KCN Vũng Áng đều do Công ty CP Công nghiệp Hóa Cốc Hà Tĩnh (thành viên của Công ty Hợp Thành) làm chủ đầu tư cũng đã bị rút giấy phép đầu tư do không hiệu quả.