Mối nguy với nhà đầu tư thứ cấp vàng

Cập nhật 10/10/2011 09:40

Đối với các nhà đầu cơ thứ cấp vàng, tương lai sẽ gần giống như hình ảnh mặt đất khô hạn và nứt nẻ. Vàng sẽ không còn là cơn mưa thấm đẫm đất để sinh sôi lợi lộc. Nó không còn quyến rũ như đã từng ồn ào phát tiết.

Đối với các nhà đầu cơ thứ cấp vàng, tương lai sẽ gần giống như hình ảnh mặt đất khô hạn và nứt nẻ. Vàng sẽ không còn là cơn mưa thấm đẫm đất để sinh sôi lợi lộc. Nó không còn quyến rũ như đã từng ồn ào phát tiết.

Vào những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2011, giá vàng còn tạo được vài ba xung động ngắn kèm theo hiện tượng người dân đứng gần kín quầy bán vàng miếng. Nhưng từ giữa tuần trước, đã có xác nhận về lực mua bị giảm sút. Chính xác hơn, sức mua của xã hội đang dần trở nên bão hòa trong bối cảnh giá vàng trôi chầm chậm xuống.

Đó là một thực tế mà các nhóm đầu cơ vàng ngắn hạn phải chấp nhận, thay cho con sóng sôi trào vào tháng 7 và tháng 8/2011. Hai tuần qua đã chứng kiến một chu kỳ kéo ngang của giá vàng thế giới. Dường như ngưỡng 1.650 USD/oz đang trở nên rất "ổn định", khiến cho giá vàng thế giới khó vươn tới mốc 1.700 USD/oz. Về mặt đồ thị kỹ thuật, đoạn kéo ngang này khá nguy hiểm, cảnh báo nguy cơ đổ dốc đang chờ chực.

Đặc biệt, trong những phiên giao dịch mà các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh, giá vàng cũng không nhích lên được bao nhiêu, cho thấy khả năng tái hiện lịch sử tháng 4/2008 và tháng 6/2010 trong quan hệ giá vàng - chứng khoán có thể không được duy trì một cách hoàn hảo. Giờ đây, giá vàng lại nằm trong thế bám đuổi yếu đối với chỉ số chứng khoán. Chỉ khi Dow Jones tăng mạnh, giá vàng mới cất cánh. Còn khi Dow Jones tăng cầm chừng hoặc giảm, giá vàng cũng kéo ngang hoặc giảm theo.

Tỷ lệ tăng trưởng của giá vàng thế giới trong hai tuần qua là thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ phục hồi của chỉ số chứng khoán Mỹ. Hiện tượng này cũng gián tiếp xác nhận một giả thuyết là khác với giai đoạn năm 2008, vừa qua giá vàng thế giới đã lập mặt bằng giá cao hơn hẳn và do đó đang rơi vào thời kỳ điều chỉnh mạnh. Tỷ lệ mất mát 15% của giá vàng trong tháng 9/2011 có lẽ vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu về điều chỉnh giảm.

Đối với các nhà đầu cơ thứ cấp vàng, tương lai sẽ gần giống như hình ảnh mặt đất khô hạn và nứt nẻ. Vàng sẽ không còn quyến rũ như đã từng ồn ào phát tiết. (Ảnh: Phạm Hải)

John Stephenson, phó chủ tịch quỹ đầu tư First Asset Management Inc, mới đây đã nêu ra một dự báo rất đáng chú ý: giá vàng thế giới có thể giảm về 1.450 USD/oz vào ngày 15/12/2011, trong khi chỉ số đồng đô la Mỹ sẽ lên đến 89, tức cao hơn mức hiện nay khoảng 10%. Đồng thời, những dự báo về việc giá vàng có thể lên đến 2.000 USD/oz vào cuối năm nay cũng đang trở nên trầm mặc hơn. Đã rất rõ là vàng đang nằm trong kênh giá xuống.

Nếu với thế giới, quỹ đầu tư vàng lớn nhất SPDR đã duy trì động thái bán ra nhiều hơn mua vào trong suốt mấy tuần qua, thì ở Việt Nam, các công ty kinh doanh vàng bạc cũng đã hoàn thành "nhiệm vụ" xả hơn hai chục tấn vàng với giá cao. Tương tự với những giai đoạn lập đỉnh và tái suy giảm của thị trường chứng khoán, thị trường vàng trong nước hiện nay cũng đang chứng kiến tình thế "trâu chậm uống nước đục" của các nhà đầu tư thứ cấp.

Trong thực tế, nhà đầu tư thứ cấp đã "ôm" của nhà đầu tư tạo lập thị trường hầu hết số vàng bán giá cao ở vùng giá 45-46 triệu đồng/lượng. Việc mua bán chỉ mới hoàn thành, vàng trong túi nhà đầu tư thứ cấp còn chưa kịp nóng thì "gói giải pháp vàng" đã được Ngân hàng nhà nước tung ra. 6 tấn vàng dồn dập được SJC và một số công ty kinh doanh vàng ép vào thị trường, khiến cho giá vàng trong nước nằm trong tình thế "liên thông ngược" với giá vàng thế giới.

Việc giá vàng trong nước vẫn tiếp tục giảm trong khi giá vàng thế giới tăng nhẹ, dù sức mua trong nước không tệ, đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và khó xử. Tâm thế khó xử của họ cũng phản ánh một trạng thái thị trường, mà ngay cả hãng tin BBC cũng vào cuộc khi bình luận rằng thật khó hiểu khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra cơ chế bán vàng vào lúc thị trường quốc tế ít biến động, nhưng lại không hề có động tác này khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 4 triệu đồng/lượng.

Mọi chuyện đều có lý do của nó, và nếu chịu khó hệ thống lại thì lý do nào cũng có thể được giải thích một cách mỹ mãn.

Nhưng hậu quả chua xót đối với nhà đầu tư thứ cấp không chỉ đã đến mà còn sẽ đến. Thời đoạn giá vàng thế giới kéo ngang, trong khi giá vàng trong nước giảm dần đều, có lẽ không còn tồn tại bao lâu nữa. Theo quy luật thông thường, cứ sau mỗi đoạn đi ngang như hiện nay, sẽ xảy ra một biến động mạnh. Trong trường hợp giá vàng thế giới, rất có thể sẽ là biến động đi xuống mà 1.500 USD/oz không còn là ngưỡng mang ý nghĩa chống đỡ quá quan yếu.

Một cú đổ dốc đối với giá vàng trong nước vẫn cận kề. Hiện thời, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã không còn quá chênh biệt. Nhưng nếu trong tuần này hoặc tuần sau, vàng thế giới lao dốc thì gần như chắc chắn, vàng trong nước cũng tiếp bước không vương vấn gì.

Hiện tượng giảm dần sức mua đối với vàng trong nước cũng đang phát ra tín hiệu về lực cung có thể tăng lên đột biến vào một thời điểm mà tâm lý giữ vàng của giới đầu tư sẽ biến chuyển thành tâm trạng hoảng sợ và do đó sẽ dẫn tới bán mạnh. Sau bán mạnh có thể dẫn tới bán tháo.Với độ chênh còn cao hơn vàng thế giới khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng hiện nay, khả năng giá vàng trong nước "down" xuống 38 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới mất thêm 10% sẽ là không khó.

Nhưng sẽ vô cùng khó để nói là vàng trong nước sẽ có một tương lai ổn định. Giảm sút trong ngắn hạn đã đành, nhưng cả trong trung hạn, giá vàng và đặc biệt là tính thanh khoản của vàng trong nước sẽ trở nên u ám. Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 6/10/2011 và có hiệu lực ngay từ ngày ký, yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, đồng thời bổ sung những điều kiện cụ thể đối với các tổ chức tín dụng muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, là một tiền đề chính sách mà sẽ tạo tác động rất lớn trong chiến dịch "dẹp loạn" cho ngày nay và cả mai sau.

Cái tương lai mai sau đó, đối với các nhà đầu cơ thứ cấp vàng, sẽ gần giống như hình ảnh mặt đất khô hạn và nứt nẻ. Vàng sẽ không còn là cơn mưa thấm đẫm đất để sinh sôi lợi lộc, mà khác thế rất nhiều, thậm chí nó có thể trở thành... mưa axít. Thanh khoản sẽ là một cái gì đó trở nên xa xỉ trong tâm lý nhà đầu tư, khiến cho thị trường mua bán vàng miếng không còn có thể quyến rũ như đã từng ồn ào phát tiết nữa.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF