Loay hoay bài toán vốn cho bất động sản

Cập nhật 23/12/2010 14:10

Nhiều hình thức tìm nguồn vốn mới, giúp thị trường bất động sản bớt lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng, để có thể phát triển lành mạnh, vững chắc hơn đã được đề ra, song tới nay vẫn chưa thể hiện thực hóa. Quỹ tiết kiệm nhà ở chính là một ví dụ điển hình.

Nhiều hình thức tìm nguồn vốn mới, giúp thị trường bất động sản bớt lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng, để có thể phát triển lành mạnh, vững chắc hơn đã được đề ra, song tới nay vẫn chưa thể hiện thực hóa. Quỹ tiết kiệm nhà ở chính là một ví dụ điển hình.


Nhà ở luôn là nhu cầu bức thiết của số đông người dân đô thị

Yêu cầu vốn khổng lồ

Bộ Xây dựng cho biết, đến năm 2015, khu vực đô thị cần tới 891,8 triệu m2 nhà ở. Cùng thời điểm, khu vực nông thôn cần 1.303,8 triệu m2 nhà ở. Do đó, nhu cầu về vốn đầu tư cho nhà ở trong những năm tới là rất lớn. Cụ thể, đến 2015, vốn đầu tư cho nhà ở khoảng 2.205 nghìn tỷ đồng. Đến 2020, con số này là 1.767 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính số vốn cần cho phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội trong 5 năm tới cũng đã lên tới 17.000-18.000 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện tại, hình thức sở hữu nhà riêng đang là dạng phổ biến. Hình thức này sẽ làm cho đại bộ phận người dân với thu nhập như hiện nay khó có cơ hội tiếp cận được nhà ở do giá nhà cao hơn so với các hình thức sở hữu khác. Mặt khác, thói quen sở hữu riêng về nhà ở có thể gây nên tâm lý người dân chỉ lo tích lũy một lượng lớn tiền cho việc mua nhà mà không xem xét đầu tư vào các lĩnh vực khác gây lãng phí nguồn vốn của xã hội.

Chính vì nguồn vốn cần cho phát triển nhà ở trong những năm tới là cực lớn, việc tìm nguồn dành cho phát triển nhà, đặc biệt là nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hệ thống ngân hàng luôn là địa chỉ được tìm tới đầu tiên. Song theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường phụ thuộc quá nhiều vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng cũng như hệ thống ngân hàng không phải là điều tích cực. Bằng chứng rõ nét nhất chính là mỗi khi có chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản, thị trường thường có dấu hiệu đình trệ giao dịch.

Dự báo về tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trước mắt, thị trường vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, các chính sách tài chính tiền tệ cần rất linh hoạt để không tạo ra “bong bóng”. Cùng với đó, về lâu dài, cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm thành lập cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản.

Mới dừng ở đề xuất

Thực ra đề xuất lập Quỹ tiết kiệm nhà ở (theo hướng quy định các đối tượng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế phải trích nộp 3-5% thu nhập hàng tháng để gửi vào quỹ) đã có từ vài năm nay. Từ đầu năm 2009, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ đề xuất lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội và cho các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào Quỹ vay để thuê, mua nhà. Văn bản cũng nêu rõ, những người không có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở sẽ được cơ quan quản lý Quỹ hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã đóng góp (kể cả lãi) khi người lao động về hưu hoặc được nghỉ theo chế độ.

Ước tính, với khoảng 9 triệu người trong độ tuổi lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, nếu thu 3% tiết kiệm nhà ở thì tổng nguồn thu trong 1 năm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, nếu thu 5% thì 1 năm thu được 10.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam kỳ vọng, Quỹ tiết kiệm nhà ở không chỉ góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn là kênh cho người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở. Số tiền này sẽ cho những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với vay ngân hàng. Đề xuất này được nhiều chuyên gia đồng tình.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở góp phần điều tiết giá cả sẽ rất hữu ích cho cả bên cung và bên cầu trong kinh doanh bất động sản. Hình thức này đã được nhiều nước áp dụng để chi trả tiền đặt cọc mua nhà trả góp và cho người dân vay trả góp hàng tháng.

Dù được đánh giá là ý tưởng tốt, song qua gần 2 năm, việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở vẫn chỉ dừng ở... đề xuất. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, Bộ Xây dựng đưa ra bàn thảo khá lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được do nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, những người có nhà rồi sẽ không muốn đóng góp vào Quỹ tiết kiệm về nhà ở. Như vậy, cơ sở để tồn tại và phát triển quỹ này rất khó.

Thêm nữa, ngay cả khi có quỹ, song chỉ được góp bởi những người chưa có nhà ở thì họ sẽ rất lâu mới có cơ hội được mua nhà. Về giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: “Quỹ này phải là bắt buộc. Anh không có nhu cầu mua nhà vẫn phải gửi quỹ tiết kiệm, trích lương ra, bao giờ anh về hưu tôi trả anh cả gốc lẫn lãi. Trong thời gian anh đi làm, coi như quỹ tạm vay để giúp người nghèo...”.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô