Lãi suất huy động ngân hàng nào cao nhất?

Cập nhật 09/10/2019 13:30

Lãi suất tiết kiệm tiền đồng dưới 6 tháng bị áp mức trần 5,5%/năm nên kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng vọt những tháng cuối năm. Ngân hàng nào có lãi suất cao nhất kỳ hạn này là câu hỏi mà nhiều người có tiền nhàn rỗi đặt ra hiện nay.

Lãi suất tiết kiệm tiền đồng dưới 6 tháng bị áp mức trần 5,5%/năm nên kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng vọt những tháng cuối năm. Ngân hàng nào có lãi suất cao nhất kỳ hạn này là câu hỏi mà nhiều người có tiền nhàn rỗi đặt ra hiện nay.

Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện 8,2%/năm - Ngọc Thắng

Dạo quanh thị trường lãi suất cho thấy, mức độ cạnh tranh rất cao nên mặt bằng huy động không có sự khác biệt quá lớn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang huy động lãi suất tiết kiệm 6 tháng ở mức 8,1%/năm, nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất 8,21%/năm khi gửi trên 10 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng lãi suất 7,7%/năm kỳ hạn 6 tháng đối với khoản tiền gửi trên 500 tỉ đồng, trong khi số tiền gửi ít hơn mức này có lãi suất chỉ từ 6,8 - 6,9%/năm. Riêng chương trình ưu đãi “Chào Thu” của nhà băng này đối với kỳ hạn 6 tháng lên đến 8,1%/năm. Một số nhà băng huy động kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Bản Việt có lãi suất 7,4%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam thương tín (Vietbank) áp dụng lãi suất 7,1%/năm; Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) ở mức 7%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) từ 6,1 - 7%/năm tùy theo số tiền gửi…

Tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… huy động tiền gửi tiết kiệm 6 tháng chỉ ở mức 5,5%/năm.

Theo kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” do Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện vào tháng 9, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý 4 và tăng 13,06% trong năm 2019, giảm 0,42% so với đợt điều tra trước nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý 4 và tăng 13,61% trong năm 2019, giảm 0,72% so với mức 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước, thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018. Các TCTD liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61%, gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019.

Nhu cầu vay vốn của khách hàng tiếp tục được nhận định ở mức cao hơn so với nhu cầu thanh toán, thẻ và gửi tiền. Đa số các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng sẽ gia tăng trong quý 4.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên