"Lãi suất cho vay chưa giảm như công bố"

Cập nhật 13/09/2011 11:55

Sau khi các ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuống 17-19% mỗi năm, rất ít khách hàng được vay ở mức này.


"Trong khi đó, số được xét duyệt vay vốn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Hùng nói. Lãi suất cho vay chưa giảm như công bố. Ảnh: Lệ Chi
Sau khi các ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuống 17-19% mỗi năm, rất ít khách hàng được vay ở mức này.

Với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngân hàng còn hứa áp dụng lãi suất thấp hơn thế 1-2%.

Chia sẻ với PV, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (thuộc diện ưu tiên vay lãi suất ưu đãi) vẫn phải vay với lãi suất 19,5% một năm chứ chưa hề giảm.

Cũng theo ông, hiện nay, 10 đơn vị đã có tới 8 nơi phải đóng cửa nghỉ vì không chịu nổi mức lãi vay quá cao. Theo tính toán của ông Hùng, với một dự án chăn nuôi vay khoảng 30 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu khoảng 600 triệu đồng, trước kia chi phí lãi vay khoảng 300 triệu, trừ các chi phí khác doanh nghiệp vẫn có lời chút ít. Nay với mức lãi suất 19,5% một năm, chi phí trả lãi đã ngốn sạch số tiền 600 triệu đồng.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước cho rằng, để các doanh nghiệp chăn nuôi sống nổi thì mức lãi suất cho vay phải hạ xuống 15% mỗi năm. "Nhưng đây chỉ là mơ ước, vì hiện nay mức 17-19% còn chưa thực hiện được thì lấy đâu ra 15%", ông Hùng chua chát nói.

Ông Hồ Hoàng Bảo Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Hành Tinh Vàng (TP HCM), cũng cho biết, hiện doanh nghiệp ông phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 20,5% một năm. Ông chưa nhận được thông tin giảm lãi suất từ phía ngân hàng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn TP HCM cũng cho biết vẫn đang vay các nhà băng với lãi suất 20-22% như trước đây.

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á thừa nhận, thực tế hiện nay việc giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% chỉ có thể áp dụng cho vài trường hợp là khách hàng tốt và có mối quan hệ quen biết chứ chưa thể áp cho đại trà.

Theo ông Hưng, số vốn huy động trước đây (dù không nói thẳng là vượt trần 14% một năm) nếu tính cả chi phí trích lập dự phòng, chi phí thanh khoản, trả lương nhân viên... là rất cao. Do đó, dù nhà băng mới chỉ sử dụng hết một nửa hạn mức tín dụng thì vẫn không thể mở rộng cho vay với lãi suất 17-19% một năm.

"Trên cơ sở nguồn vốn nhiều hay ít, giá vốn đầu vào cao hay thấp, đối tượng khách hàng, lĩnh vực kinh doanh sản xuất rủi ro thấp hay cao…, ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay khác nhau", ông Hưng nói.

Lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại TP HCM chia sẻ, dù đơn vị ông công bố lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh 17-19% mỗi năm, nhưng thực tế cũng chỉ có thể áp dụng cho một vài doanh nghiệp được nhà băng chọn lọc hoặc doanh nghiệp xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng với tỷ giá do nhà băng ấn định.

Nhìn nhận việc giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% là hoàn toàn khả thi, song ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho biết, trước mắt OCB chỉ có thể áp dụng mức lãi suất khoảng 19% mỗi năm cho những khách hàng tốt trước. Phải một vài tháng nữa thì mới có thể triển khai đưa về mức 17% thậm chí dưới 17% một năm.

Bản thân Tổng Giám đốc Ngân hàng doanh nghiệp Maritime Bank, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cho rằng, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, việc giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% cũng tạo rất nhiều áp lực đối với nhà băng. Đồng thời, ông nhận định, tình hình lãi suất trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán trước nên chưa thể giảm nhanh lãi suất cho vay được.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là đơn vị đi đầu công bố giảm lãi suất, thậm chí còn giảm hai đợt trong vòng hai tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Tuy nhiên, nguồn tin từ nhà băng này thừa nhận chỉ ưu tiên mức giảm cho những doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng tốt. Việc xếp hạng này do chính trung tâm tín dụng của ngân hàng thực hiện một cách khắt khe.

Mấy ngày qua, hàng loạt ngân hàng đều tuyên bố những chương trình vay vốn có lãi suất thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường. Như Agribank từ ngày 12/9 giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về 17-19% một năm đối với các khoản ngắn hạn. Sacombank từ ngày 8/9 dành 2.000 tỷ đồng để cho vay đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp, phát triển nông thôn với lãi suất ưu đãi từ 17 đến 19% một năm.

ABBank cũng tuyên bố mức giảm 1,5% mỗi năm đối với một số hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân… Tuy nhiên, lượng vốn được vay với lãi suất tương đối thấp chỉ có giới hạn, và chỉ dành cho một số lĩnh vực nhất định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress