Lãi suất “bó” tín dụng bất động sản tiêu dùng

Cập nhật 25/09/2008 13:00

Các ngân hàng hiện bắt đầu triển khai tín dụng bất động sản (BĐS) mua nhà, đất trả góp - là hình thức được liệt vào cho vay tiêu dùng dịp cuối năm.

Các ngân hàng hiện bắt đầu triển khai tín dụng bất động sản (BĐS) mua nhà, đất trả góp - là hình thức được liệt vào cho vay tiêu dùng dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, do thanh khoản đã được cải thiện, nguồn vốn khả dụng dồi dào trở lại, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay sửa chữa nhà dịp cuối năm.

Đây được xem là thời điểm cao trào mà người tiêu dùng cần đến nguồn vốn ngân hàng để sửa chữa nhà. Thế nhưng, khác với những năm trước, hiện nhu cầu vay vốn sử dụng vào những mục đích trên tăng không đáng kể.

Lý do là lãi suất cho vay của ngân hàng còn cao khiến khách hàng e ngại, dù thị trường BĐS đang được xem là thời điểm thích hợp để sở hữu nhà, đất.

ACB cho biết, sau khi ngừng triển khai tín dụng BĐS tiêu dùng kể từ tháng 6/2008, hiện ACB dành 500 tỷ đồng trong tổng ngân khoản 15.000 tỷ đồng để giải ngân trong tháng 9 và 10/2008 cho khách hàng có nhu cầu về nhà ở thực sự. Sau đó, nếu tình hình tiếp tục khả quan và tiến độ giải ngân tốt, ACB sẽ "rót" thêm vốn.

Tuy nhiên, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB thừa nhận, trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đứng ở mức cao thì Ngân hàng chưa thể giảm mạnh lãi suất cho vay.

Do đó, lãi suất cho vay đối với tín dụng BĐS tiêu dùng tại ACB cũng xấp xỉ mức trần 21%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy nhiên, cũng có trường hợp ACB giảm lãi suất cho vay, mức giảm khoảng 0,5%/năm. Hạn mức cho vay sẽ được Ngân hàng xem xét dựa trên tính thanh khoản của từng loại BĐS khác nhau, nhưng không quá 70% giá trị tài sản đảm bảo.

Thời hạn vay tối đa được kéo xuống còn 3 - 5 năm, thay vì 10 - 30 năm như một số ngân hàng đã áp dụng trong năm 2007. Đối tượng khách hàng cũng được chọn lọc kỹ. ACB chỉ nhắm vào đối tượng khách hàng cụ thể là các gia đình trẻ có thu nhập và khả năng trả nợ cao.

Theo đánh giá của ông Hải, nhu cầu vay tiền mua nhà, đất trả góp của khách hàng vẫn có, điều quan trọng là hạn mức tín dụng ngân hàng dành cho khách hàng trong lúc này có dồi dào và lãi suất vay ở mức độ nào.

Sacombank cho biết, Ngân hàng vẫn duy trì cho vay BĐS tiêu dùng kể từ đầu năm 2008 đến nay, trong đó có nguồn vốn 300 tỷ đồng được tài trợ bởi Công ty Tài chính quốc tế (IFC) để hỗ trợ cho những người có nhu cầu về nhà ở thực sự.

Tuy nhiên, so với đầu năm và đặc biệt là cùng kỳ năm trước thì hiện lãi suất cho vay quá cao, nên tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tại Ngân hàng có dấu hiệu chững lại.

Theo thống kê của NHNN - Chi nhánh TP. HCM, tăng trưởng tín dụng BĐS của các ngân hàng trên địa bàn đã giảm từ mức 19% đầu năm xuống còn 11% hiện tại.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thừa nhận, mức lãi suất 1,75%/tháng là điều hết sức khó khăn cho khách hàng, dù họ có nhu cầu nhà ở thực sự. Trong khi để sở hữu một căn nhà, đòi hỏi khách hàng phải có tiền tỷ, vì thực tế BĐS chủ yếu giảm giá đối với đất nền dự án.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM nhận định, nhiều khả năng trong những tháng tới, lãi suất huy động sẽ được điều chỉnh giảm dần theo diễn biến khả quan của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

CPI tháng 9/2008 được Tổng cục Thống kê công bố là 0,18%, thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, đây là dấu hiệu tốt để các ngân hàng lên kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Trong khi đó, chủ trương điều hành của NHNN trong thời gian tới là lãi suất sẽ diễn biến theo tình hình của CPI. Do đó, những người có nhu cầu về nhà ở sẽ "dễ thở" hơn khi nghĩ đến việc tiếp cận ngân hàng để vay vốn sở hữu BĐS, sửa chữa nhà.

Sacombank cho biết, sẽ xem xét tình hình thị trường và tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, giảm áp lực cho những người cần vốn, trong đó có tín dụng BĐS tiêu dùng.

www.DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán