Kiều hối phần lớn không chảy vào hệ thống ngân hàng

Cập nhật 07/11/2011 14:10

Đáng lo nhất là một lượng rất lớn kiều hối nhiều năm nay không vào ngân hàng mà được bán ra thị trường tự do.

Đáng lo nhất là một lượng rất lớn kiều hối nhiều năm nay không vào ngân hàng mà được bán ra thị trường tự do.

Việt Nam hiện đang có hơn 400.000 người đi lao động ở nước ngoài và khoảng 4 triệu Việt kiều cư trú ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm họ gửi về Việt Nam một lượng kiều hối không nhỏ.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quí 1/2011 kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 2,5 tỉ USD, quí 2 là 2 tỉ USD và quí 3 là 2,5 tỉ USD và ước tính cả năm sẽ đạt khoảng 8,5 tỉ USD, so với mức kỷ lục 8 tỉ USD của năm 2010. Đó là chưa kể lượng kiều hối chuyển về không thông qua hệ thống tín dụng chính thức mà theo NHNN có thể tương đương ít nhất là 30% con số thống kê được. Đây là “tài khoản vàng” cho cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.

Nếu như năm 1999, lượng kiều hối mới chỉ chiếm 4,2% GDP của Việt Nam, thì đến năm 2002 đã tăng lên 7,8%. Và năm 2010, con số đó bằng khoảng 7,7% GDP (GDP ước trên 100 tỉ USD). Trong khi các nguồn khác như ODA, FDI, FII đóng góp vào cán cân thanh toán ngày một bấp bênh thì kiều hối vẫn tăng đều.

Theo NHNN, năm 2010 nguồn ngoại tệ ròng này đã bù đắp gần 50% thâm hụt thương mại. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 16 trong các quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất năm 2010. Tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 về nhận kiều hối, chỉ sau Philippines với khoảng 21,3 tỉ USD vào năm 2010.

Theo WB, kiều hối tại Việt Nam chủ yếu từ những người di cư thường trú từ Mỹ, Canada và Pháp chuyển về. Song nguồn tiền được chuyển một cách không cân đối, đặc biệt là tại TPHCM. Thành phố này nhận lượng kiều hối nhiều nhất trong cả nước mặc dù không có xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2006-2008.

Ở góc độ khác, một cuộc điều tra tiến hành năm 2008 với hơn 4.000 hộ gia đình Việt Nam cho thấy kiều hối về Việt Nam đã làm tăng phần chi tiêu của các gia đình cho đất đai và nhà ở. Các chuyên gia ước tính khoảng 48% kiều hối chuyển về nước trong năm năm qua có liên quan đến bất động sản; một lượng nhỏ được đầu tư cho dịch vụ, du lịch. “Các tác động của kiều hối đối với xóa đói giảm nghèo là không đáng kể, vì kiều hối chủ yếu gửi cho các hộ gia đình khá giả và không dành cho chi tiêu”, theo kết luận của khảo sát trên.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết ông biết nhiều trường hợp kiều hối được chuyển về để mua bất động sản; một số sử dụng kênh này để chuyển tiền thanh toán thương mại bởi rút ngắn được nhiều thời gian so với thanh toán qua ngân hàng. Bên cạnh đó, cũng có một lượng kiều hối tập trung vào đầu cơ lãi suất vì lãi suất tiền gửi USD ở nước ngoài hiện chỉ từ 0,25-0,5%/năm trong khi ở Việt Nam lên đến khoảng 5%/năm. Theo Ngân hàng Đông Á, trong sáu tháng đầu năm này, lượng kiều hối qua ngân hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và tỷ lệ người nhận kiều hối xong gửi tiết kiệm ngoại tệ tăng 10-15%.

Nhưng đáng lo nhất là một lượng rất lớn kiều hối nhiều năm nay không vào ngân hàng mà được bán ra thị trường tự do. Nguồn ngoại tệ này gây thêm áp lực cho tỷ giá. Các công ty kiều hối Sacombank, Đông Á, các ngân hàng thương mại có thị phần chuyển kiều hối lớn như ACB, Agribank, Vietinbank đều cho biết lượng ngoại tệ từ kiều hối được gửi hoặc bán lại cho ngân hàng trung bình chỉ 10-15%. Nếu chỉ 50% lượng kiều hối đó quay trở lại ngân hàng thì cơ bản cũng sẽ giải quyết được tình hình căng thẳng ngoại tệ.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG