Kiều hối giúp “rã đông” bất động sản?

Cập nhật 12/01/2012 11:50

Khách hàng Việt kiều vẫn chưa phải là đối tượng chính để các dự án bất động sản (BĐS) nhắm đến, mặc dù lượng kiều hối đổ về Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Khách hàng Việt kiều vẫn chưa phải là đối tượng chính để các dự án bất động sản (BĐS) nhắm đến, mặc dù lượng kiều hối đổ về Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Tiền tươi cứu đất héo


Dự án Saigon Pearl thu hút khách Việt kiều

Theo thống kê từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2011, gần 52% nguồn kiều hối đã đổ vào thị trường BĐS, trong tổng số 9 tỷ USD được gửi về Việt Nam, tăng 0,5 tỷ USD so với năm 2010. Dự báo năm 2012, Việt Nam có thể đón nhận lượng kiều hối đạt mức 12,5 tỷ USD.

Tuy vẫn chưa thể khẳng định xu hướng dòng tiền chảy về đâu, gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán, vàng hay BĐS, nhưng giới đầu tư BĐS vẫn kỳ vọng không ít trong số đó sẽ được đổ vào BĐS. Bởi vì, thực tế cả thị trường vàng lẫn chứng khoán đều vẫn chưa có những bứt phá rõ rệt, cũng như độ trũng để thu hút kiều hối.

Tính từ năm 2007, phần lớn lượng kiều hối đổ về Việt Nam được dồn vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, chủ yếu vẫn thông qua các kênh như: chứng khoán, vàng, BĐS, gửi tiết kiệm ngân hàng...

Tuy nhiên, đến năm 2010, tỷ lệ vốn đầu tư của kiều hối được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính chiếm khoảng 70%, trong tổng số 8,5 tỷ USD được gửi về Việt Nam trong năm 2010.

Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng như: trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ chung cư cao cấp... tại các trung tâm thành phố, như TP.HCM và Hà Nội đã thu hút lượng lớn kiều hối. Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư vào các dự án xây dựng căn hộ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven biển cũng đang ngày một gia tăng.

Theo bà Phùng Kim Vy, Chủ tịch HĐQT The Cliff Resort & Residences (do Công ty CP Thương mại Du lịch Dốc đá Phú Hài làm chủ đầu tư), sau thành công của Seahorse Resort, The Cliff Resort & Residences ra đời xuất phát từ nhu cầu của các khách hàng Việt kiều, có nhu cầu sở hữu những căn nhà ven biển, nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng trong thời gian làm việc tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đầu tư hay sở hữu căn hộ, năm 2011, căn hộ dịch vụ cũng thu được lượng ngoại tệ không nhỏ từ khách hàng Việt kiều. Một đại diện của Cushman & Wakefield tại Việt Nam cho biết, trước đây, căn hộ dịch vụ chủ yếu chỉ nhắm vào khách nước ngoài đến du lịch và làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2011, hơn 50% khách thuê căn hộ dịch vụ là Việt kiều quay về làm ăn tại Việt Nam. Con số này cho thấy những tín hiệu rất khả quan về tiềm năng của nguồn khách Việt kiều trong phân khúc này.

Trong khi đó, nhân chuyến tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam của đoàn doanh nhân Mỹ, thuộc Hiệp hội Bất động sản Châu Á (hoạt động tại Mỹ) (ARAEE) đầu tháng 12/2011, ông David Tran, Tập đoàn Century 21, Phó chủ tịch ARAEE, cũng cho biết, trong tương lai gần, sẽ có nguồn vốn đầu tư lớn từ Mỹ đổ vào Việt Nam, trong đó sẽ có không ít nguồn vốn của Việt kiều.

Chưa đáng mừng


Một trong những dự án căn hộ cao cấp tại TP.HCM đang có lượng Việt kiều sinh sống khá nhiều phải kể đến là Saigon Pearl (Công ty TNHH Vietnam Land SSG, liên doanh giữa Công ty TNHH Vietnam Land (Hồng Kông) và Công ty CP Tập đoàn SSG (Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đồi, Phó giám đốc Điều hành Công ty CP Địa ốc và Xây dựng SSG 2, cho biết, khu căn hộ Saigon Pearl của SSG hiện đang có rất nhiều Việt kiều sinh sống, sở hữu thông qua người thân đứng tên mua hoặc thuê.

Sau Saigon Pearl, Thảo Điền Pearl đang tiếp tục khai thác nguồn khách hàng trên nền tảng cao cấp, trong đó, đối tượng Việt Kiều cũng là lượng khách hàng tiềm năng.

Hiện nay, khách hàng Việt kiều cũng chiếm khoảng 20% trong số 70% căn hộ được bán tại Thảo Điền Pearl. Tuy nhiên, đứng về phía chủ đầu tư, ông Đồi nhận định, khách hàng Việt kiều chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, chưa thể khẳng định là khách hàng chủ chốt mà các dự án BĐS muốn nhắm đến trong năm 2012.

Nói rõ hơn về điều này, ông Đồi cho biết, thực chất, trước tình hình suy thoái chung trên toàn cầu, thu nhập của Việt kiều cũng bị ảnh hưởng. Do đó, không thể đánh giá đây là nguồn chủ chốt. Theo đó, khách hàng trong nước vẫn là thế mạnh.

Đồng tình với nhận định này, bà Vy, cũng cho biết, tình hình BĐS Việt Nam đang bị “đông cứng” nhưng thị trường Mỹ và một số nước tại khu vực Bắc Mỹ cũng không khá hơn.

Hiện nay, giá nhà ở các nước này đang xuống thấp, bản thân những người ở đó cũng đang muốn bán nhà. Do đó, kỳ vọng về lượng khách hàng Việt Kiều ở đây là rất khó.

Tuy nhiên, cũng có những thị trường ít biến động như khu vực khối Đông Âu. Được biết, hiện Việt kiều khối Đông Âu đang chiếm 25% tại dự án The Cliff.

Có thể nói, ưu điểm của khách hàng Việt kiều là định dạng và nhận biết nhanh sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua yếu tố “miễn nhiễm” với tình hình biến động của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong vấn đề thủ tục, Thông tư số 16/2010/TT-BXD về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở vẫn đang là rào cản, tác động đến đến việc giảm thu hút lượng kiều hối vào phân khúc này.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn