Không thể “đánh đồng” bất động sản để né cho vay

Cập nhật 28/07/2010 08:10

Không thể đánh đồng mọi loại dự án bất động sản (BĐS) đều có xác suất rủi ro như nhau rồi “nhốt” chung vào cơ chế “hiệu cầm đồ” như nhiều ngân hàng thương mại đang lo sợ và né giải ngân tín dụng.

Không thể đánh đồng mọi loại dự án bất động sản (BĐS) đều có xác suất rủi ro như nhau rồi “nhốt” chung vào cơ chế “hiệu cầm đồ” như nhiều ngân hàng thương mại đang lo sợ và né giải ngân tín dụng.

Sản phẩm nhiều nhưng chưa phù hợp

Trong 6 tháng đầu năm, cùng với sự biến động của các thị trường có liên quan như chứng khoán, vàng... thị trường BĐS cũng có những diễn biến phức tạp.

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), không phủ nhận sự tăng mạnh về nguồn cung trên thị trường, tuy nhiên nhiều sản phẩm lại chưa phù hợp với khả năng chi trả của người dân và nhu cầu tiêu dùng thực sự.


Sản phẩm nhiều nhưng chưa thực sự phù hợp với túi tiền của người dân (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ, thổi giá, đầu tư theo phong trào diễn ra khá phổ biến, cá biệt một số đợt “sốt” giá BĐS đã xảy ra như tại khu vực phía Tây, phía bắc ngoại thành Hà Nội.

Những tháng vừa qua, lượng giao dịch về đất nền tại hầu hết các dự án phát triển khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở của TP Hà Nội đều sôi động, giá cả tăng liên tục theo từng tháng, trong đó giá cả tại khu vực phía Tây thành phố tăng mạnh nhất.

Tại các dự án khu vực quận Hà Đông, giá chuyển nhượng đất nền thời điểm đầu tháng 5/2010 tăng trung bình từ 40 - 60% so với thời điểm tháng 12/2009. Đối với phân khúc thị trường căn hộ chung cư, giá cả duy trì khá ổn định nhưng ở mức cao, quá khả năng chi trả của nhiều người nên giao dịch trầm lắng.

Còn ở TPHCM từ đầu năm đến nay lượng giao dịch về nhà, đất không có nhiều biến động. Các thị trường khác như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam do có lợi thế về mặt bằng giá ở mức thấp, có quy hoạch đồng bộ nên tiếp tục thu hút vốn của các nhà đầu tư và có chiều hướng tăng giá.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Đại Lai, hiện nguồn vốn có tính quyết định và giữ vai trò phát tín hiệu cho xu hướng vận động của thị trường BĐS. Trong đó, lớn nhất vẫn là nguồn tín dụng BĐS từ ngân hàng nhưng trên thực tế nguồn vốn này lại chưa đáp ứng được cho tốc độ phát triển của thị trường BĐS hiện nay.

Thị trường tìm vốn là thị trường đang “nguội”

Trong những tháng đầu năm 2010, tình hình cho vay BĐS của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn chưa được cải thiện do thiếu nguồn vốn huy động. Theo dự báo, vốn tín dụng ngân hàng vào BĐS vẫn tiếp tục tăng nhẹ song cũng không cải thiện nhiều về tỉ trọng tín dụng BĐS/tổng dư nợ cho vay (chỉ xung quanh 11%).

BĐS là một lĩnh vực đầu tư đòi hỏi phải có nguồn vốn trung, dài hạn, một kế hoạch tài chính ổn định. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, sự tham gia của nguồn vốn “nóng” khá phổ biến, tạo ra những hoạt động lướt sóng, gây những cơn sốt nóng trên thị trường.

TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng: Không thể đơn thuần ngăn cấm nguồn vốn “nóng” đổ vào thị trường. Vấn đề quan trọng của quản lý phải là công khai, minh bạch, cảnh báo và định hướng thị trường bằng các tác động vào tổng cung, tổng cầu.

“Mặt khác, chúng ta cũng không thể “đánh đồng” mọi loại BĐS đều có xác suất rủi ro như nhau rồi “nhốt” chung vào cơ chế “hiệu cầm đồ” mà nhiều NHTM đang lo sợ và né tránh giải ngân tín dụng” - ông Lai khẳng định.

Theo đề xuất của vị chuyên gia này, giải pháp tạo nguồn vốn lành mạnh cho tín dụng BĐS là hình thành ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển hạch toán độc lập trong NHTM hoặc liên kết với NHTM để bảo lãnh phát hành hay trực tiếp phát hành trái phiếu, chứng khoán hóa nguồn vốn cho thị trường... nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng, tạo điều kiện cho thị trường ổn định, minh bạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí