Không ra chỉ tiêu về số ngân hàng bị sàng lọc

Cập nhật 19/10/2011 10:15

Duy trì các ngân hàng, dù to hay nhỏ, trong trạng thái sức khoẻ tốt là việc làm cấp thiết. Cơ quan quản lý không đặt ra chỉ tiêu sàng lọc bao nhiêu nhà băng trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Duy trì các ngân hàng, dù to hay nhỏ, trong trạng thái sức khoẻ tốt là việc làm cấp thiết. Cơ quan quản lý không đặt ra chỉ tiêu sàng lọc bao nhiêu nhà băng trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Ở góc độ nhiễu nhương, VN quá nhiều ngân hàng

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và quản lý TƯ, nhận xét, dưới góc độ tài khoản, tín dụng thì chúng ta thậm chí còn thiếu ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ nhiễu nhương thì Việt Nam lại có quá nhiều ngân hàng.

Do vậy, việc tái cấu trúc hệ thống này là vô cùng cần thiết để thị trường tài chính thêm minh bạch, lành mạnh.

Nhưng, trả lời thắc mắc của TS. Nguyễn Quang A tại phiên thảo luận của Hội thảo Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam (do Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp tổ chức ngày 18/10), TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định, không có chuyện chúng ta đặt ra chỉ tiêu về số lượng các ngân hàng thương mại bị tái cấu trúc.

Ông cho hay, trong buổi làm việc mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định điều này. Vì thế, thông tin về việc giảm bớt một nửa số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hay 10 ngân hàng nhỏ, yếu kém nhất... mới chỉ là đề xuất của một tổ chức tài chính.

"Vấn đề không phải là ngân hàng to hay nhỏ mà ngân hàng "to" cũng được, "nhỏ" cũng được, song phải khoẻ" - TS. Lê Xuân Nghĩa nói về tình trạng của các ngân hàng hiện nay. "Nếu to mà bệnh tật là không được, thà nhỏ mà khoẻ còn hơn".

Việc tái cấu trúc hệ thống này là vô cùng cần thiết để thị trường tài chính thêm minh bạch, lành mạnh (ảnh SGTT).

Bình luận trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN - báo VietNamNet), độc giả Quang (dtqts@... ) nêu ý kiến, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính là một trong những yêu cầu bắt buộc trong điều kiện hiện nay.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đặt ra vấn đề là Việt Nam nên duy trì bao nhiêu ngân hàng mà vấn đề cần đặt ra là các ngân hàng của chúng ta hoạt động như thế nào? Vấn đề cốt lõi với các ngân hàng hiện nay là VỐN và CÁCH ĐIỀU HÀNH, mà hai vấn đề này thì Ngân hàng Nhà nước có đủ cơ sở để đánh giá Vốn bao nhiêu là đủ và Cách điều hành như thế nào là hợp lý. Không cần phải có những quyết định hành chính mà chỉ cần ra những văn bản mang tính chất chuyên môn, ngân hàng nào đạt thì được công nhận (kể cả thành lập mới), ngân hàng nào không đạt thì tuýt còi và yêu cầu phải tự sáp nhập, nếu không Nhà nước sẽ phải mua lại. Nếu một ngân hàng nào đó phải giải thể, mang tính chất dây chuyền thì sẽ cực kỳ nguy hiểm", độc giả này đề xuất.

3 vấn đề cần tái cấu trúc

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng cần tập trung vào 3 vấn đề: tái cấu trúc về tài chính, tái cấu trúc về hoạt động và tái cấu trúc về cơ chế quản lý (quản trị doanh nghiệp).

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành lưu ý: Về kỹ thuật, để thu bớt số lượng ngân hàng là không hề đơn giản bởi đây là mảnh đất hấp dẫn, mê hoặc đến điên loạn, trong khi Việt Nam lại chưa có tiền lệ.

Hơn nữa, việc xử lý tài sản xấu, đặc biệt là bất động sản, gắn với đó là chi phí, thì ai chịu? Chưa kể, chúng ta đến nay vẫn chưa có bất kỳ chương trình hành động cụ thể nào về việc này, mặc dù ý tưởng về chuyện tái cấu trúc ngân hàng đã có từ 6 đến 8 nay.

Độc giả Khoadongduong (khoadongduong@...) gợi ý, đề án tái cấu trúc ngân hàng nên tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, tạo đầy đủ hành lang pháp lý cho việc tái cấu trúc ngân hàng.

Thứ hai, dùng công cụ hành chính tạo ra sức ép cần thiết buộc các ngân hàng phải cạnh tranh một cách sòng phẳng với nhau. Nếu ngân hàng nào có tín hiệu không lành mạnh thì Ngân hàng nhà nước bơm tiền có điều kiện như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm. Phá sản kiểu Mỹ là sáp nhập hoặc tái cấu trúc ngân hàng đó.

Thứ ba, sau khi nắm quyền kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nguyên tắc hoạt động của ngân hàng đó theo hướng có lợi cho nền kinh tế. Nếu năng lực ngân hàng đó thực sự yếu, không có tính đột phá, không có tính mới của các sản phẩm dịch vụ thì yêu cầu sáp nhập vào một trong các ngân hàng khác. Việc sáp nhập ngân hàng cổ phần tư nhân vào ngân hàng quốc doanh sẽ rất khó, nên chăng chỉ sáp nhập giữa hai ngân hàng tư nhân với nhau.

Thứ tư,
sau khi sáp nhập các ngân hàng, tùy theo chiến lược kinh doanh của các ngân hàng mà tiếp tục tăng - giảm vốn của ngân hàng đó.

Thứ năm, đối với các tổ chức thuê tài chính sẽ tách khỏi các tổng công ty nhà nước, hình thành một hoặc một số công ty tài chính mạnh như hai định chế cho vay mua nhà của Mỹ. Các định chế này tách khỏi các tập đoàn sẽ không phụ thuộc vào tập đoàn kinh tế mà vận động theo cơ chế thị trường, tạo ra tính minh bạch trong quản lý.

Nói một cách ví von như nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Xuân Giá, bắt các ngân hàng hiện nay phải gánh đến 80kg trong khi sức chịu đựng chỉ 50kg thì yếu kém là tất yếu. Ông cũng khuyến nghị cần mở ra nhiều các kênh khác ngoài ngân hàng. Và việc xem xét đẩy mạnh phát triển các công ty cho thuê tài chính - như đề xuất của chuyên gia kinh tế Dominic Patrick Mellor thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - là một trong những biện pháp tốt hỗ trợ các DN nhỏ và vừa khi khó tiếp cận vốn ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF