“Không phải ai muốn vay cũng được”

Cập nhật 18/03/2013 16:29

Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) - ông Nguyễn Viết Mạnh - đã nói như vậy khi bình luận về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng sắp được NHNN bơm ra vào giữa tháng 4 tới.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) - ông Nguyễn Viết Mạnh - đã nói như vậy khi bình luận về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng sắp được NHNN bơm ra vào giữa tháng 4 tới.

Bên cạnh đó, ông Mạnh cho rằng, với chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra chỉ 1,5% và phải chịu trách nhiệm về quy trình cho vay, các NH sẽ chịu thiệt nếu quản lý không tốt khi cho vay lãi suất 6%.

Dự thảo quy định chương trình cho vay thuê mua nhà ở với lãi suất 6% trong 3 năm đầu tiên được chúng tôi đưa ra dựa trên thu nhập thực tế của các đối tượng có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng công chức có thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng/tháng nếu phải thuê nhà sẽ mất khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, tương đương 60 triệu đồng mỗi năm. Khoản thu nhập trên sẽ không đủ bảo đảm nếu cặp vợ chồng này vay mua nhà với lãi suất thông thường.

Do đó, nếu được vay mua nhà với lãi suất (LS) 6%/năm, số tiền lãi sẽ chỉ tương đương hoặc thấp hơn số tiền thuê nhà mỗi tháng. Tôi cho rằng, khi chính sách này được thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu cho người có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Vụ trưởng Vụ tín dụng Nguyễn Viết Mạnh.

* Dự kiến, người dân sẽ được vay với LS 6% đến ngày 15/4/2016. Sau thời điểm này, lãi vay thực tế sẽ như thế nào?

Gói hỗ trợ này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 15/4/2013 và theo đó, khách hàng càng vay sớm, càng được hưởng ưu đãi LS dài trong thời gian đến 15/4/2016 (không phải cố định trong 3 năm đầu kể từ thời điểm giải ngân). Sau thời điểm này, khách hàng sẽ tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ LS của NHNN với mức cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô cũng như tình hình thị trường BĐS. Song quan điểm chung là người vay sẽ được hưởng LS hỗ trợ thấp hơn lãi vay thương mại.

* Ông có lo ngại sẽ có tình trạng lách luật và vốn vay sẽ không chảy về đúng đối tượng?

Nếu triển khai, chương trình sẽ chỉ hỗ trợ về nguồn vốn và LS, quy trình cho vay và điều kiện tín dụng thuộc trách nhiệm của các NH. Hơn nữa, dự kiến nguồn tái cấp vốn của NHNN cho các NHTM (khoảng 30.000 tỉ đồng) chỉ thấp hơn lãi vay vẻn vẹn 1,5% nên các NHTM sẽ chịu thiệt nếu quản lý không tốt việc cho vay. Khi vay, hồ sơ xin vay phải có giấy chứng nhận đúng đối tượng được cấp có thẩm quyền xác nhận. Còn các ngân hàng khi cho vay cũng phải có thông báo trên toàn hệ thống do Trung tâm Thông tin tín dụng quản lý. Do đó trong khuôn khổ gói hỗ trợ này, mỗi khách hàng chỉ có thể được vay một lần và không phải ai muốn vay cũng được.

* Theo yêu cầu của NHNN, lượng vốn tối thiểu mà 5 NHTM nhà nước có thể dành cho chương trình này sẽ là bao nhiêu?

Với mức yêu cầu tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước, lượng vốn mà 5 NHTM nhà nước có thể dành cho chương trình này vào khoảng 45.000 tỉ đồng. Số vốn này có thể là không lớn so với nhu cầu của thị trường song tôi cho rằng, chương trình khi triển khai sẽ tạo ra giao dịch trên thị trường, kích hoạt sức mua, giải phóng hàng tồn kho và gián tiếp làm thị trường BĐS ấm lên. Quan trọng hơn, chương trình hướng đến nhu cầu thực sự của những người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chưa có nhà ở và đưa ra mức hỗ trợ hợp lý nhằm tạo điều kiện cho họ mua được nhà.

* Vậy các bộ, ngành và địa phương có phản hồi gì với dự thảo này của NHNN?

Qua lấy ý kiến rộng rãi, cơ bản dự thảo nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành và địa phương. Chỉ có phía Bộ Xây dựng đề xuất chia nguồn vốn thành hai phần. Trong đó 35% cho vay các DN, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội và 65% cho vay các đối tượng khách hàng của chương trình. Song chúng tôi nhận thấy, nếu chia ra như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Bộ Xây dựng cũng muốn có thêm hình thức vay để mua nhà ở xã hội nhưng hiện luật chưa cho phép nên trong gói hỗ trợ này, chúng tôi mới chỉ thiết kế hình thức vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và chỉ cho vay mua nhà với trường hợp nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Cảm ơn ông!

Mua nhà ở xã hội không được vay

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết 02/NQ-CP vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội không nằm trong đối tượng được vay nguồn vốn rẻ này.

Cụ thể, Điều 1 về đối tượng áp dụng, dự thảo thông tư quy định các đối tượng được vay hỗ trợ mua nhà gồm: Đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Các DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển công năng sang dự án nhà ở xã hội theo thông báo của Bộ Xây dựng.

Lý do mà NHNN loại đối tượng này ra khỏi dự thảo là do trong Nghị quyết 02/NQ-CP không đưa đối tượng vào. Mặc dù trước đó Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý về vấn đề này. Theo phản ánh của nhiều DN xây nhà ở xã hội, nhu cầu mua nhà ở xã hội trong dân rất lớn. “Trong khi trong dự thảo có quy định cho người vay mua nhà ở thương mại (tất nhiên là diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2) thì được vay vốn ưu đãi, còn người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì lại không được vay ưu đãi là bất hợp lý”, nhiều người dân gửi ý kiến về báo Lao Động cho biết.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc cho vay hỗ trợ nhà ở, NHNN quy định các ngân hàng cho vay đối với các khách hàng theo cơ chế hiện hành. Có nghĩa, những đối tượng thuộc diện được vay vốn hỗ trợ sẽ vẫn phải có tài sản thế chấp cho các ngân hàng trong khi đó đa số những người thu nhập thấp đều không có tài sản thế chấp để vay vốn. Thiết nghĩ, để nguồn vốn 30.000 tỉ thực sự đi vào cuộc sống, NHNN nên cân nhắc, xem xét lại điều này.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động