"Khiêm tốn" thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM

Cập nhật 04/03/2010 14:20

Dù tình hình thu hút đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP.HCM trong hai tháng đầu năm 2010 có nhiều chuyển biến, nhưng chỉ tiêu đề ra là 8,4 tỷ USD vẫn còn quá xa.http://admindool.diaoconline.vn/WebManager/TinTuc/News.aspx?Mode=new

Dù tình hình thu hút đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP.HCM trong hai tháng đầu năm 2010 có nhiều chuyển biến, nhưng chỉ tiêu đề ra là 8,4 tỷ USD vẫn còn quá xa.

Thông tin từ Phòng đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho biết, tính đến tháng 2/2010, Thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án, với tổng vốn 333,4 triệu USD và 5 dự án tăng vốn (2,55 triệu USD).

So với mức 69,8 triệu USD cùng kỳ năm 2009, dù ít hơn 1 dự án, nhưng giá trị vốn đăng ký mới lại tăng hơn 4 lần. Tuy vậy, nếu so với Bà Rịa – Vũng Tàu (với giá trị thu hút FDI 2 tháng đầu năm trên 900 triệu USD) thì kết quả của TP.HCM quá khiêm tốn.

Ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho rằng, Thành phố đang chủ trương thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng như: cơ khí – tự động hóa; công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và vật liệu mới.

Theo đó, với chủ trương như vậy, nên số lượng vốn đầu tư không nhiều nhưng về cơ bản, ông Lư Thanh Phong cho rằng, TP.HCM vẫn là trung tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực này tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cơ sở để Thành phố tin vào hấp lực của mình với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như việc “cán đích” với chỉ tiêu 8,4 tỷ USD vốn FDI trong năm 2010 là thu hút đầu tư đang trên đà gia tăng cả về dự án lẫn vốn.

Hơn nữa, trong năm nay, Thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án là Khu đất Công trường Lam Sơn – Hai Bà Trưng – Đông Du (300 triệu USD), dự án của Tập đoàn Lotte (2 tỷ USD) và của Capital Group (2 tỷ USD).

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc, TP.HCM cũng cho biết, dù trong hai tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư của Khu vẫn chưa có nhiều khởi sắc, nhưng trong thời gian tới sẽ có một số dự án lớn được cấp phép tại đây.

Dù không tiết lộ chi tiết, nhưng theo ông Thành, Khu đô thị Tây Bắc sắp tiếp nhận một dự án bất động sản có quy mô lớn (có thể có quy mô lớn hơn cả Khu đô thị Đại học quốc tế 900 ha – VIUT của Berjaya Leisure) của một nhà đầu tư nước ngoài. Theo những thông tin ban đầu, dự án này chỉ còn chờ phê duyệt từ phía UBND TP.

Dù đang chuẩn bị đón nhiều dự án nhưng phải nhìn nhận rằng, ngay thời điểm hiện tại, các dự án FDI đăng ký đầu tư chủ yếu nằm ngoài các khu quy hoạch trọng điểm của Thành phố. Điển hình, trong 29 dự án của tháng 2/2010 thì đã 27 dự án nằm ngoài các Khu chế xuất – Khu công nghiệp.

Hai dự án còn lại thuộc về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (120 triệu USD) và Khu Nam Sài Gòn (7,5 triệu USD), trong khi đó, Khu đô thị Tây Bắc, Khu Công nghệ cao… đều chưa có nhà đầu tư nước ngoài “chào sân”.

Để khắc phục hiện tượng vắng nhà đầu tư nước ngoài như năm 2009, ông Lư Thanh Phong cho biết, bên cạnh việc rút ngắn thời gian cho các thủ tục hành chinh, Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trương đẩy mạnh các chương trình xúc tiến.

Trong đó sẽ tiếp cận các đối tượng sở hữu công nghệ và nguồn tài chính mạnh, chủ yếu tập trung các tập đoàn kinh tế, các công ty đa quốc gia. Song song đó là, tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng cho các khu trọng điểm như: Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước để làm chất xúc tác thu hút các nhà đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư