Khan hiếm USD cuối năm: Nỗi lo lớn dần

Cập nhật 28/07/2011 12:45

Các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế đã tỏ ra lo ngại về dự báo một đợt căng thẳng và tăng tỷ giá có thể diễn ra vào cuối năm nay. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại cho rằng, những quy luật căng thẳng USD cuối năm như trước đây sẽ không lặp lại.

Các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế đã tỏ ra lo ngại về dự báo một đợt căng thẳng và tăng tỷ giá có thể diễn ra vào cuối năm nay. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại cho rằng, những quy luật căng thẳng USD cuối năm như trước đây sẽ không lặp lại.

Sẽ còn nhiều thàng nữa đề những nhận định này được chứng minh bằng thực tế. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, đã có những dấu hiệu cho thấy nỗi lo về USD đang lớn dần.

Nhu cầu rất lớn

Nhu cầu vay vốn và mua bán USD để sử dụng đang lớn và sẽ tăng lên vào cuối năm. Đó là một thực tế không thể phủ nhận và các ngân hàng đang phải chuẩn bị cho điều này - lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn, có nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ mạnh khẳng định.

Các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế đã tỏ ra lo ngại về dự báo một đợt căng thẳng và tăng tỷ giá có thể diễn ra vào cuối năm nay.

Theo lý giải của ông, nhìn trên những con số cơ bản cũng có thể thấy, nhu cầu USD như thế nào: nhập siêu tăng cao và sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm; dư nợ tín dụng USD tăng cao và chắc chắn sẽ bước vào kỳ đáo hạn trong những tháng tới, cơ quan quản lý đã liên tục tăng mua USD với tổng số tiền lên đến khoảng 4 tỷ USD...

Trong khi đó, nguồn cung USD không dễ dàng khi các chính sách quản lý ngoại hối ngày càng siết chặt, đặc biệt việc quy định trần lãi suất USD thấp trong khi lãi suất VND cao đang gây ra những bất cấp.

Cụ thể, do quy định trần lãi suất USD chỉ còn 2% trong khi lãi suất VND lên đến gần 20% nên nhiều người đã giảm cầm giữ USD chuyển sang tiền VND. Hiện tại, do lãi suất vay VND rất cao trong khi vay USD khá thấp nên nhiều DN vẫn thích vay USD để chuyển qua VND để giảm chi phí vốn. Thực tế, thời gian qua, tín dụng USD tăng cao là có một phần do nguyên nhân này.

Đối phó với tình hình trên, các ngân hàng buộc phải tìm cách để nâng lãi suất USD một cách không chính thức. Cụ thể, nếu khách hàng gửi tiền USD ở mức 30.000 USD trở lên thì thay vì lãi suất 2% thì khách hàng sẽ thỏa thuận nâng lên cho khách đến trên 3% cho các kỳ hạn đến 3 tháng. Thậm chí, với mức gửi lớn đến khoảng 100.000 USD thì mức lãi suất có thể gấp đôi trần quy định, thành 4%.

Đối với nhiều khách hàng đang có USD gửi nhưng có ý định rút, các ngân hàng cũng chủ động đàm phán để điều chỉnh lãi suất tăng lên nhằm giữ lại vốn ngoài tệ. Mức phổ biến cho lãi suất hiện nay là 2,5-3% đối với mức gửi khoảng 20.000 USD; trên 50.000 USD có thể thỏa thuận 3,5% và càng cao thì càng có lãi suất lớn và nhiều ưu đãi.

Thậm chí, để tăng lòng tin cho người gửi tiền USD, các nhân viên còn nhiệt tình tư vấn và tính toán hộ khách hàng thiệt hơn khi giữ USD so với VND với tất cả các thông số lãi suất, lạm phát, dự kiến trượt giá của tiền đồng...

Trong một thống kê gần đây từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng và huy động bằng ngoại tệ luôn tăng cao hơn so với VND.

Theo báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Trung ương, huy động vốn bằng VND chỉ tăng 1,15% trong khi vốn ngoại tệ tăng 8,89%. Riêng về tín dụng, cho vay bằng đồng Việt Nam chỉ tăng 2,72% trong khi cho vay bằng ngoại tệ có mức tăng áp đảo, lên tới 22,21%.

Với những cón số này đã cho thấy, huy động vốn và cho vay bằng ngoại tệ đang tăng lên.

Trong khi đó, theo một chuyên gia tài chính, các chính sách quản lý ngoại hối vừa qua chủ yếu dựa vào các biện pháp hành chính, ép tăng cung bằng cách giảm găm giữ và giảm vay vốn bằng USD.

Tuy nhiên, có một điều không thể không nói tới là nguồn cung USD thực chất chưa tăng lên là bao, trong khi các mối nguy từ nhập khẩu không được giải quyết. Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn của nền kinh tế đã khiến cho những mong muốn giảm găm giữ USD trong dân chưa hẳn được như ý muốn còn yêu cầu DN bán lại ngoại tệ thì đang rất ì ạch khi gần cả tháng qua số lượng ngoại tệ mua được từ các DNNN chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong lượng USD mà DN đang có.

Cung - cầu là nguyên nhân chính buộc các ngân hàng và DN tìm cách để lách luật.

Dư nợ ngoại tệ: Nguy cơ khó chối

Từ đầu năm, dự nợ ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng liên tục tăng. Yếu tố này dường như đi ngược lại mong muốn giảm USD hóa trong nền kinh tế khi co hẹp diện được vay USD, các điều kiện vay và trả USD được nâng cao.

Con số mới nhất được được Ngân hàng Nhà nước công bố là đến 30/6, tín dụng VND chỉ tăng 2,72% còn tín dụng ngoại tệ tăng 22,21%. Tính riêng địa bàn Hà Nội thì đến 30/6, dư nợ quy đổi của tất cả các tổ chức tín dụng tại đây ước đạt 555.280 tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối tháng 5/2011, tăng gần 8,9% so với cuối 2010 và tăng 27,7% so với cùng kỳ 2010.

Đặc biệt, một sự mất cân đối khá rõ khi tốc độ tăng dư nợ VND chỉ 5,2% thì dư nợ ngoại tệ tăng tới 17,25%.

Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Trong khi đó, lãi suất vay VND hiện nay khoảng 22-25% so với vay USD khoảng 7-8% thì các DN có lợi hơn nhiều. Cộng với sự ổn định của tỷ giá, càng khuyến khích các DN vay tín dụng USD để giảm chi phí vốn.

Còn với ngân hàng, xuất phát từ thực tế, lãi suất USD huy động lên đến 3-4% thì mức cho vay hiện nay là 7-8%, đây là một mảnh đất kiếm lãi trong hoàn cảnh khó khăn nên các ngân hàng không thể bỏ qua.

Thậm chí, theo nhiều DN, nếu như tỷ giá có tăng lên ở mức cao nhất 5% như dự báo của một số tổ chức quốc tế - tức thêm khoảng 1.000 đồng/USD, so với lãi suất vay VND thì vay USD vẫn có lợi hơn. Kể cả vay USD, đổi ra VND gửi vào ngân hàng cũng được cho là có lãi.

Điều đáng nói là, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các đối tượng vay ngoại tệ hiện được thu hẹp là các DN nhập khẩu, các DN cam kết có nguồn ngoại tệ trả nợ rõ ràng nhưng với lợi ích của tín dụng ngoại tệ thời điểm này cũng như tốc độ gia tăng đáng ngờ của nó.

Nhiều người đã đặt vấn đề có hay không các DN không thuộc diện được vay nhưng vẫn lọt vào danh sách bằng các chứng từ hợp thức hóa. Điều này khó tránh vì đã từng xảy ra những sai phạm cả với chính sách hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ như năm 2009.

Tất nhiên, người vay cũng đối mặt với rủi ro khi tỷ giá tăng vào cuối năm. Đây là thực tế đã xảy ra trong nhiều năm nhưng trong điều kiện hiện tai, khi lãi suất VND còn rất cao còn USD lại được đảm bảo bởi sự ổn định trước mắt và khả năng điều chỉnh tăng không cao thì rủi ro này được cho là có thể bù đắp được và nhiều DN không xem chuyện vay USD là mạo hiểm.

Tuy nhiên, khi DN không gặp khó theo những tính toán về lý thuyết thì sự tăng trưởng tín dụng USD sẽ vẫn gây nên những tác động lớn cho cung cầu, quản lý và nền kinh tế. Thông thường, các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn từ 3-6 tháng. Và như thế, thời điểm tất toán đang đến gần. DN sẽ phải đối mặt với việc mua USD để trả nợ.

Nhưng, khi nhu cầu tăng lên đột biến, các ngân hàng sẽ lập tức làm khó DN và việc mua bán sẽ không dễ dàng như mọi tính toán. Tất nhiên, việc mất cân đối sẽ gây áp lực lên nền kinh tế và làm nóng vấn đề tỷ giá. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ buộc phải tính đến vì để cân đối cung cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể bán USD hay tăng tỷ giá, nhưng việc bán USD không hề dễ trong hoàn cảnh hiện nay.

Và thực tế cho thấy, bán USD thường không giải quyết được bản chất vấn đề khi các DN và ngân hàng cứ lo tìm mọi cách để có lợi trước mắt để rồi dồn khó cho cơ quan quản lý.

Trong trường hợp đó, điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi và được cho là hợp với xu thế đưa tỷ giá tiếp cận với thị trường để chuyển dần quan hệ huy động và cho vay USD sang quan hệ mua bán ngoại tệ.

Nếu như thế, giả sử lại có thể có những có sốc điều chỉnh như hồi đầu năm, cộng với những khó khăn và khan hiếm dù thật sự hay "làm giá" của các ngân hàng hay thị trường tự do thì DN cũng sẽ gặp khó khăn. Còn chính sách ngoại hối lại một phen khó khăn và mục tiêu chống USD hóa sẽ bị ảnh hưởng.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN