Hàng loạt ‘ông lớn’ xây dựng sa sút

Cập nhật 01/11/2019 15:00

Lợi nhuận chín tháng đầu năm của Coteccons, Hoà Bình và Hưng Thịnh Incons đều tăng trưởng âm dù chủ động cắt giảm các chi phí.

Lợi nhuận chín tháng đầu năm của Coteccons, Hoà Bình và Hưng Thịnh Incons đều tăng trưởng âm dù chủ động cắt giảm các chi phí.

Công nhân thi công tầng hầm dự án Hilton Saigon năm 2018. Ảnh: Coteccons

Trong các báo cáo triển vọng 2019 phát hành vào đầu năm, hầu hết công ty chứng khoán nhận định ngành xây dựng năm nay diễn biến tiêu cực hơn bởi tác động từ chính sách kiềm chế sau khi có các dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản. Tính chính xác của nhận định này càng được củng cố khi hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm.

Luỹ kế doanh thu đến hết quý III của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) giảm 21% so với cùng kỳ, chỉ đạt 16.260 tỷ đồng. Chủ động cắt giảm nhiều khoản chi phí như dịch vụ thuê ngoài, nhân công, khấu hao... nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Công ty báo lãi 480 tỷ đồng, thấp hơn phân nửa so với năm ngoái và mới hoàn thành khoảng 37% kế hoạch cả năm.

Ban lãnh đạo Coteccons giải thích sự sụt giảm là "khó khăn chung của ngành xây dựng". Theo đó, nhiều dự án đã ký bị chậm tiến độ hoặc ngừng triển khai để rà soát, hoàn thiện thủ tục pháp lý trước khi mở bán. Điều này dẫn đến hai hệ quả: một là kéo dài thời gian thi công khiến chi phí cố định tăng lên, hai là công ty phải điều chỉnh giá trong quá trình đấu thầu dự án mới để đảm bảo nguồn việc.

"Kết quả kinh doanh còn bị ảnh hưởng khi công ty sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và đội thi công theo điều khoản hợp đồng trong bối cảnh dòng tiền thu từ khách hàng về chậm", báo cáo của doanh nghiệp này viết.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coteccons trên thị trường xây dựng công trình dân dụng là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nỗ lực lớn nhất thể hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này là cắt giảm hầu hết các khoản chi phí. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa đủ để giúp công ty cải thiện hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh giá vốn bán hàng không ngừng tăng.

Luỹ kế doanh thu chín tháng của Hoà Bình tăng 7% so với cùng kỳ, lên gần 13.650 tỷ đồng nhưng giá vốn lại tăng gần 11%. Tỷ suất lợi nhuận gộp theo đó giảm từ 9,85% xuống chỉ còn 6,7%. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi 243 tỷ đồng và giảm hơn 51% so với năm ngoái.

Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN), doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM vào tháng 11/2018 và được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Hưng Thịnh với nhiều dự án quy mô lớn cũng vừa thông báo kết quả kinh doanh ảm đạm. Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế chín tháng giảm 7% và 23% so với cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 2.400 tỷ đồng và 88 tỷ đồng.

Đại diện Hưng Thịnh Incons cho biết, vì trúng các hợp đồng tổng thầu lớn và triển khai một số dự án ngoài TP HCM nên công ty phải chuẩn bị nguồn vốn lớn, tăng cường nhân sự cho các phòng ban khiến chi phí lãi vay và nhân công tăng cao.

So với kế hoạch cả năm, công ty mới hoàn thành phân nửa doanh thu và khoảng 41% lợi nhuận. Trước đó tại đại hội đồng cổ đông thường niên, ban lãnh đạo cho hay kế hoạch này được xây dựng dựa trên tiến độ thi công thực tế của các dự án đã ký, các hợp đồng dự kiến ký mới từ Tập đoàn Hưng Thịnh và các chủ đầu tư khác. Lường trước thách thức từ việc bất động sản chững lại do những quy định pháp lý, nhưng công ty vẫn tự tin hoàn thành chỉ tiêu này bởi giá nguyên liệu đầu vào được dự báo ổn định.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, ngành xây dựng có triển vọng trung – dài hạn rất lớn nhờ tốc độ đô thị hoá cao, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện. Nhưng đối với mảng xây dựng nhà dân dụng trong ngắn hạn, đơn vị này đưa ra đánh giá trung lập bởi chưa thấy manh nha các chính sách mới nhằm giải quyết vấn đề giấy phép dự án.

Điểm sáng duy nhất của ngành xây dựng trong năm nay đến từ mảng xây dựng công nghiệp khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn, cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thầu tư nhân lớn trong ngành đều đang bỏ ngỏ mảng này.

DiaOcOnline.vn – Theo Vnexpress