Hạn chế vay, thúc đẩy mua bán kỳ hạn ngoại tệ

Cập nhật 28/03/2011 16:50

Chỉ số CPI tháng 3.2011 của Việt Nam tăng 2.17% cao hơn so với tháng 2.2011 (2.09%). Tính từ năm 1997 đến nay, đây là lần đầu tiên chỉ số CPI tháng 3 tăng cao hơn so với mức tăng của tháng 2.

Chỉ số CPI tháng 3.2011 của Việt Nam tăng 2.17% cao hơn so với tháng 2.2011 (2.09%). Tính từ năm 1997 đến nay, đây là lần đầu tiên chỉ số CPI tháng 3 tăng cao hơn so với mức tăng của tháng 2.

Thông thường, giá hàng hoá sau tháng tết sẽ có xu hướng giảm dần xuống. Tuy nhiên, giá hàng hoá thiết yếu được điều chỉnh tăng một cách dồn dập đã khiến cho quy luật chỉ số giá của tháng sau tết sẽ giảm so với tháng trước tết bị thay đổi. Tính theo năm, CPI tháng 3.2010 tăng 13.76% và chỉ số CPI vẫn diễn biến theo xu hướng tăng mà chưa có dấu hiệu chững lại.

Cán cân thương mại từ 1.2010 – 3.2011 (triệu USD)

Thắt chặt tiền tệ, GDP tăng chậm lại

Việc điều chỉnh mạnh giá xăng dầu cuối tháng 2 và giá điện đầu tháng 3 được xem là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI của nhóm giao thông và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với mức tăng lần lượt là 6.69% và 3.67%. Các nhóm hàng hoá còn lại không tăng nhiều cho thấy mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu không lớn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND 7.17% từ 19,500 lên 20,900 cũng là nhân tố tác động lớn đến CPI do nhập khẩu lạm phát thông qua tỷ giá.

Do lạm phát của các tháng trong quý 1/2011 vẫn ở mức cao nên chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục được điều hành theo hướng thắt chặt. Bộ Chính trị đã đưa ra kết luận số 02 cùng với chín giải pháp bao trùm các lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu ổn định lại tình hình kinh tế vĩ mô. Vấn đề tăng trưởng kinh tế đã được xếp hàng thứ yếu trong năm 2011, và một vài năm đầu của kế hoạch năm năm 2011 – 2015. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra khả năng có thể tăng dự trữ bắt buộc nếu tăng trưởng tín dụng tháng 3 vượt mức trên 5%, tháng 6 trên 9 – 10%, và tháng 9 trên 15% so với cuối năm 2011. Với hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế không thể song hành thì GDP của Việt Nam trong quý 1 cũng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng chậm lại với mức tăng 5.4%, thấp hơn so với mức 5.84% của quý 1/2010.

Sẽ không dễ vay ngoại tệ

Mặc dù tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng do chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng tình trạng nhập siêu lại không hề thuyên giảm, lên đến 1.150 triệu USD. Nguyên nhân là do nhập khẩu trong tháng 3.2011 đạt 8,200 triệu USD, chỉ đứng sau tháng 12.2010 trong giai đoạn từ 1.2010 – 3.2011.

Để kiểm soát tỷ giá, một động thái mới của ngân hàng Nhà nước là hạn chế các hoạt động vay ngoại tệ. Thông tư 07 về việc hạn chế đối tượng vay ngoại tệ được ban hành vào ngày cuối tuần trước 25.3.2011 và có hiệu lực từ 9.5.2011.

Thông tư 07 có điểm mới so với các thông tư trước đó là loại bỏ nhu cầu vay ngoại tệ của một số nhóm đối tượng như vay trả nợ nước ngoài trước hạn, vay đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và vay trung dài hạn để đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ. Một điểm mới trong thông tư là những khách hàng vay ngoại tệ nhập khẩu phải có nguồn trả nợ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác được cam kết bằng văn bản. Thông tư này về dài hạn sẽ khiến hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại bị giảm, từ đó làm giảm lãi suất cho vay USD ở trong nước. Nếu điều này xảy ra, lãi suất huy động USD sẽ bị giảm dần. Nhu cầu nắm giữ USD trong dân bị giảm, qua đó giúp áp lực tăng tỷ giá USD/VND được giải toả.

Tăng trưởng GDP từ quý 1/2009 – quý 1/2011 (%)

Hướng đến mua bán kỳ hạn ngoại tệ

Các ngân hàng thương mại sẽ phải dần chuẩn bị cho việc thực hiện thông tư số 07 của ngân hàng Nhà nước. Do việc cho vay nhập khẩu sẽ phải yêu cầu khách hàng có được nguồn USD để trả nợ, nên với những khách hàng vay USD nhập khẩu hàng hoá phục vụ nhu cầu trong nước, các ngân hàng thương mại sẽ phải thực hiện việc mua giao ngay và bán kỳ hạn ngoại tệ cho các khách hàng này.

Những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, thay vì vay USD nay sẽ phải mua USD hoặc sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi của mình để đầu tư. Các yếu tố này làm cho nhu cầu mua ngoại tệ giao ngay của các ngân hàng có thể tăng nhẹ. Vì thế, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong tuần này và tuần tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị