Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội, đến trung tuần tháng 7-2013, các ngân hàng thương mại được giao thực hiện giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đã cho 56 khách hàng là cá nhân vay. Nhu cầu của xã hội rất lớn, song tổng số tiền được giải ngân chỉ 11 tỷ đồng, trung bình mỗi trường hợp được vay vỏn vẹn 196 triệu đồng. Trong khi đó, mới chỉ có hai doanh nghiệp được vay vốn nhưng tổng số vốn vay đã lên tới gần 692 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn
|
Trong số hai doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay là Công ty cổ phần Vicoland, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền là 117,7 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã được giải ngân 34 tỷ đồng. Công ty cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, chủ đầu tư một dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP.Hồ Chí Minh, cũng được vay 540 tỷ đồng. Tính đến nay, sau gần tám tháng triển khai
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Đến giữa tháng 7-2013, cả nước có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, chiếm tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, 16 dự án nhà ở thương mại khác đăng ký chuyển đổi cơ cấu căn hộ với quy mô 4.700 căn hộ ban đầu, được điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất 30 dự án cho Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay.
Hiện nay, để vay được vốn, trường hợp là cá nhân, hộ gia đình phải đáp ứng rất nhiều điều kiện như: phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hợp đồng ký với chủ đầu tư phải sau ngày 7-1-2013, tức thời điểm Nghị quyết 02 có hiệu lực thi hành... Được biết, Ngân hàng Vietinbank đã nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được 100 hồ sơ của khách hàng là cá nhân đăng ký xin vay. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ duy trì tỷ lệ tổng thể của gói hỗ trợ, với 30% dành cho doanh nghiệp, 70% dành cho cá nhân.
Loại nhà ở đáp ứng đủ tiêu chí để được vay từ gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi rất hiếm. Quy định trên đòi hỏi phải có sản phẩm nhà ở phù hợp để đáp ứng các tiêu chí cho vay, yêu cầu chủ đầu tư phải có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn.
Tuy nhiên, do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng phân khúc nhà ở thương mại cao cấp có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương rất khan hiếm. Nên điều cần thiết hiện nay là các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung để đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng. Theo quy định của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được bán căn hộ sau khi đã xây dựng xong phần móng. Sau khi khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân mới có thể triển khai.
Trong khi đó, tồn kho bất động sản vẫn ở mức cao. Riêng tại TPHCM, tính từ đầu năm 2013 đến nay tổng số căn hộ đã bán ra thị trường là 1.877 căn hộ/14.490 căn hộ, chiếm tỷ lệ 13% so với tổng số tồn kho cuối năm 2012, ước tính giá trị là 2.042,93 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5-2013, số căn hộ tồn kho là 12.613 căn hộ/14.490 căn hộ, với tổng giá trị số vốn tồn kho ước tính là 22.414,31 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ có tám dự án nhà ở thương mại với khoảng 2.004 căn hộ có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2 thuộc diện được hưởng ưu đãi của gói tín dụng.
DiaOcOnline.vn - Theo Công an TP