Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản: Hợp lý hay không hợp lý?

Cập nhật 16/04/2013 09:24

Hôm qua, ngày 15-4, bắt đầu chính thức triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cứu thị trường bất động sản (BĐS). Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh gói hỗ trợ này, song, những kỳ vọng có thể vực dậy thị trường BĐS vẫn được thể hiện rất rõ.

Hôm qua, ngày 15-4, bắt đầu chính thức triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cứu thị trường bất động sản (BĐS). Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh gói hỗ trợ này, song, những kỳ vọng có thể vực dậy thị trường BĐS vẫn được thể hiện rất rõ.

Khi thị trường bất động sản bình ổn sẽ có tác dụng lan tỏa tới toàn nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Long


Hoài nghi…

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho vay với lãi suất 6% cho các đối tượng thu nhập thấp đang được các nhà quản lý kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho người nghèo, cán bộ công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp, những người khó khăn… có điều kiện để mua hoặc thuê nhà ở.  Tuy nhiên, ngay từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ này được Chính phủ đưa ra, lập tức, đã nhận được nhiều luồng ý kiến.

Khá bất bình với việc tại sao rất nhiều DN trong nhiều ngành, lĩnh vực "lâm nguy” nhưng sao chỉ có "nhà giàu” BĐS được cứu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN BĐS khi lãi cao thì lợi nhuận bỏ túi, còn khi thua lỗ lại đòi sự cứu trợ từ Nhà nước, như vậy là bất công.

TS Alan Phan - người đã gây ra sự tranh cãi kịch liệt trong giới kinh doanh BĐS khi ông cho rằng, nên để thị trường BĐS rơi tự do- nhấn mạnh rằng, không cần phải cứu thị trường này, để tự nó vận động theo thị trường thì đến 4,5 năm nữa, giá BĐS có thể giảm sâu thêm nữa, có thể xuống đến 50%. Trong bức thư của mình gửi cho Hiệp hội BĐS Hà Nội, vị chuyên gia này cũng bày tỏ mong muốn: những DN BĐS sẽ quên đi quyền lợi cá nhân của mình… để san sẻ lại cho các người dân kém may mắn hơn.

Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng, 30.000 tỷ đồng là một số tiền không nhỏ nhưng nếu để rót vào thị trường BĐS, thì không thấm vào đâu so với lượng hàng tồn kho đang bị ứ đọng (khoảng 200.000 tỷ đồng). Bởi theo tính toán của giới chuyên gia, 30.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ USD, song chỉ tính riêng Hà Nội, đã cần 45 tỷ USD để hoàn thiện những dự án còn đang dang dở. Đó còn chưa kể, hàng loạt các thị trường khác như TP. Hồ Chí Minh đang tồn kho hàng chục ngàn căn hộ với giá trị lên đến hàng chục tỷ USD. Điều này cho thấy, 30.000 tỷ chỉ là con số quá nhỏ bé để có thể vực dậy thị trường BĐS.



Bất động sản vẫn chờ... giải cứu. Ảnh Hoàng Long

… Và kỳ vọng

Tuy nhiên, theo một chuyên gia lĩnh vực địa ốc, nếu nhìn vào thực tiễn, trước đây, 30.000 tỷ đồng có thể chỉ mua được vài trăm căn nhà thì với thực trạng tồn kho và giá cả trên thị trường BĐS hiện nay, 30.000 tỷ đồng có thể mua được vài ngàn căn hộ. Và nếu như vậy, thị trường BĐS hoàn toàn có thể kỳ vọng những giao dịch mua bán sẽ được ấm lên từ gói hỗ trợ này.

Còn theo khẳng định của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước – Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đây không phải là câu chuyện cứu hay không cứu nữa, mà là sự hỗ trợ để bình ổn thị trường BĐS. Và khi thị trường này được bình ổn sẽ có tác dụng lan tỏa tới toàn nền kinh tế.
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, gói hỗ trợ này sẽ tạo ra một cú hích đối với phân khúc nhà ở xã hội, và đây cũng là cơ hội để người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách có cơ hội sở hữu nhà ở - điều mà lâu nay vẫn luôn là "ước muốn xa vời” của người nghèo, người thu nhập thấp.

Hoàn toàn không đồng tình với ý kiến để thị trường BĐS "rơi tự do”, ông Lực cho rằng, việc đưa ra gói hỗ trợ này cho thị trường BĐS là rất cần thiết, bởi ngành này liên quan đến sự "sinh tồn” của rất nhiều lĩnh vực khác, chứ không chỉ mang lại lợi ích cho duy nhất ngành BĐS.

Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời cuối tuần qua. Theo Bộ trưởng Dũng, thị trường BĐS liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, và đặc biệt với thị trường tài chính tiền tệ. "Bên cạnh đó BĐS còn cung ứng hạ tầng cho các khu công nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” – ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo khẳng định của người đứng đầu Bộ Xây dựng, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là một "nhiệm vụ cần thiết”. Với gói hỗ trợ 30.000 tỷ Chính phủ hỗ trợ cho vay mua nhà, nhiều ý kiến cho rằng con số này chỉ như "muối bỏ bể”. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng,"gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Cùng với việc không thu tiền sử dụng đất đối với những dự án xây nhà ở xã hội, đây sẽ là gói kích cầu để tăng tiêu dùng, từ đó tăng sản xuất nói chung và tạo sự tăng trưởng kinh tế”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết