Gói 30.000 tỷ đồng vẫn… nằm ở ngân hàng

Cập nhật 28/10/2013 08:46

Mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nhưng thực tế, gói 30.000 tỷ đồng vẫn chậm giải ngân, chưa đáp ứng được kì vọng của những người thực sự có nhu cầu về nhà ở.

Mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nhưng thực tế, gói 30.000 tỷ đồng vẫn chậm giải ngân, chưa đáp ứng được kì vọng của những người thực sự có nhu cầu về nhà ở.

Tốc độ giải ngân hỗ trợ người dân mua nhà thu nhập thấp chưa được như kỳ vọng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng “cứu” bất động sản được triển khai, nhiều doanh nghiệp, người dân đã mong muốn được tiếp cận gói tín dụng này và hi vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc. Tuy vậy, sau 5 tháng triển khai (từ tháng 6/2013), gói tín dụng này mới giải ngân được rất hạn chế. Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 9/2013, các ngân hàng mới cho cá nhân và doanh nghiệp vay gần 200 tỷ đồng.

Gỡ mãi vẫn “vướng”

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), sự chậm chạp này xuất phát từ việc triển khai. Nghị quyết 02 của Chính phủ về giải quyết nợ xấu, xử lý hàng tồn kho đã có từ cuối năm ngoái, nhưng mãi đến giữa năm nay, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng mới ra các thông tư hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỷ đồng. Đến khi có những văn bản hướng dẫn rồi thì tốc độ phê duyệt cũng vẫn chậm. “Đến nay, thị trường bất động sản vẫn chưa có biến động gì sau gói 30.000 tỷ đồng. Giống như căn bệnh đã nặng mà thuốc thì không đủ mạnh”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ví von về sự giải ngân chậm chạp.

Lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết, mặc dù dự án của công ty về xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) đã được Bộ Xây dựng đã đồng ý về chủ trương do đáp ứng đủ các tiêu chí quy định về mật độ dân số, quy hoạch, diện tích, nhưng sau khi trình ba lần, lãnh đạo thành phố vẫn chưa duyệt.

Do gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hướng mạnh tới phát triển NƠXH nên ông Châu cho rằng, tuy thị trường bất động sản hiện nay khó khăn nhưng cần coi đây là cơ hội giúp các thành phố lớn phát triển phân khúc NƠXH. “Sau này, khi thị trường tốt hơn, chưa chắc các doanh nghiệp sẽ tham gia xây dựng NƠXH bởi lợi nhuận thu được không cao”, ông Châu phân tích. Ông Châu đề nghị các địa phương nên đẩy nhanh tiến độ xét duyệt dự án xây dựng NƠXH.

Một vướng mắc khác cho việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, theo giải thích của lãnh đạo Bộ Xây dựng, là quỹ nhà ở giá rẻ còn hạn chế. Cả nước có khoảng 167 dự án NƠXH đang triển khai, trong đó có 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Một số dự án xin chuyển từ dự án thương mại sang NƠXH... đã nộp hồ sơ nhưng chưa tiếp cận được vốn.

Tăng cung nhà giá rẻ

Tuy vẫn còn những vướng mắc ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân gói tín dụng vốn được kì vọng sẽ gỡ khó cho thị trường bất động sản, nhưng gần đây, thị trường đã ghi nhận những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Một số dự án NƠXH chính thức “bung hàng” và còn được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng từ gói 30.000 tỷ đồng.

Phải kể đến dự án nhà thu nhập thấp tại khu đô thị (KĐT) Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, chào bán hơn 1.100 căn hộ, có diện tích 35 - 69 m2, giá bán 8,68 triệu đồng/m2. Đây là dự án được VietinBank triển khai gói tín dụng ưu đãi, khách hàng có thể vay tối đa 80% giá trị căn hộ, lãi suất không quá 6%/năm. Những căn hộ đầu tiên sẽ được bàn giao vào dịp Tết Nguyên đán tới.

Tiếp đó, dự án khu nhà ở thu nhập thấp KĐT Bắc Cổ Nhuế - Chèm (xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô cũng đã được khởi công với diện tích 2 ha, trong tổng thể hơn 361 ha KĐT Bắc Cổ Nhuế - Chèm. Dự kiến, những căn hộ đầu tiên được bàn giao trong quý IV - 2014. Tại dự án này, chủ đầu tư dự kiến bán với giá 10,3 - 10,8 triệu đồng/m2. Khách hàng mua nhà cũng được cho vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các dự án NƠXH trên địa bàn thành phố dự kiến hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Nếu tập trung đầu tư khẩn trương, Hà Nội có thể hoàn thành khoảng 12.296 căn hộ vào năm 2015. Trong khi đó, Sở đã nhận được báo cáo của 75 đơn vị, với 8.338 cán bộ đăng ký nhu cầu mua NƠXH.

Còn theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 9/2013 các doanh nghiệp BĐS đã bán được 4.437 căn hộ trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào thời điểm cuối năm 2012. Từ nay đến cuối năm 2013, thành phố đang tiếp tục triển khai chương trình 30.000 căn hộ NƠXH đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân. Hiện đã có 9 dự án thương mại trên địa bàn thành phố được cho phép chuyển sang NƠXH với số lượng hơn 9.200 căn hộ.

Đồng Nai chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội

Đến thời điểm này, tỷ lệ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện rất thấp so với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. So với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, Đồng Nai chỉ thực hiện được 37 dự án đất ở, đạt 8,5% so với chỉ tiêu. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của tỉnh Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt với diện tích tăng gần 20.000 ha để thực hiện khoảng 390 dự án đất ở. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến cuối tháng 10/2013, Đồng Nai mới triển khai được 44 dự án, trong đó có 5 dự án nhà ở công nhân, xã hội, 15 dự án tái định cư và 24 dự án khu dân cư, đạt khoảng 4%. Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng nguyên nhân chính là thị trường bất động sản ảm đạm. Phần lớn các dự án khởi công gần như không triển khai được do nhà đầu tư thiếu vốn. Bên cạnh đó, nhiều khu vực quy hoạch, giới thiệu địa điểm để xây dựng dự án nhà ở nhưng không có nhà đầu tư.

Lê Hiền

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức