Gỡ ‘nút thắt’ gói tín dụng 30 nghìn tỷ

Cập nhật 20/09/2013 15:39

Nhiều người ví von 30.000 tỷ đang phình ra trong một chiếc túi to được buộc chặt miệng. Để tháo “nút thắt” này cho dòng tiền hữu ích đến được tay những người có nhu cầu thực sự và đủ điều kiện là việc làm cần thiết vào thời điểm này nhằm tránh nguy cơ phá sản của gói hỗ trợ.

Nhiều người ví von 30.000 tỷ đang phình ra trong một chiếc túi to được buộc chặt miệng. Để tháo “nút thắt” này cho dòng tiền hữu ích đến được tay những người có nhu cầu thực sự và đủ điều kiện là việc làm cần thiết vào thời điểm này nhằm tránh nguy cơ phá sản của gói hỗ trợ.


Cả nước mới có 350 cá nhân được vay từ gói 30.000 tỷ đồng, trong khi Hà Nội đang có nhiều dự án nhà thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Tạo cơ chế “một cửa”

Trao đổi với PV , TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Khiếm khuyết cơ bản khi vận hành gói 30.000 tỷ đồng là tư duy bao cấp, không dựa vào quy luật vận hành của thị trường. Người xin nhiều, người vay được thì ít, lại dẫn đến cơ chế xin - cho. Điều này khiến người có nhu cầu vay dần dần cũng không tha thiết nữa...”.

Theo phân tích của TS. Phạm Sỹ Liêm, việc yêu cầu ngân hàng kiêm cả nhiệm vụ xét điều kiện cho vay khiến các thủ tục giải ngân gói 30.000 tỷ trở nên rắc rối vì ngân hàng chỉ chuyên về nghiệp vụ cho vay. Rồi việc người vay phải chạy qua hàng chục cửa để xin đủ loại giấy xác nhận mới đủ điều kiện vay cũng gây cản trở cho tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ. “Sao không giao cho các đoàn thể: Công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh thẩm định các điều kiện được mua nhà như tình trạng nhà ở, nguồn thu nhập… Người đi vay chỉ cần một giấy. Ai chứng nhận sai người đó chịu” - TS. Phạm Sỹ Liêm đề xuất.
"Cần thành lập đường dây nóng để giải quyết khiếu nại, thắc mắc của những người đi vay gói 30.000 tỷ. Người đi vay có thể phản ánh những trường hợp cụ thể, đưa thông tin chính xác như chi nhánh nào, ngân hàng nào… gây khó khăn cho người đi vay mua nhà; hoặc là cơ quan nào, địa phương nào gây khó khăn cho người dân. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận những thông tin này, hướng dẫn người có nhu cầu vay và là cầu nối giữa cơ quan quản lý, cơ quan có nhiệm vụ cho vay với đối tượng cần vay”.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội

TS. kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, đáng lẽ trước khi gói hỗ trợ này ra đời, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải ngồi lại với nhau để văn bản hóa các điều kiện cụ thể, chi tiết các điều kiện cho vay, cách tính điều kiện cho vay… Bởi vì các quy định hướng dẫn chỉ chung chung nên đã dẫn đến chuyện đối tượng cho vay thì như nhau, nhưng quy định cho vay của ngân hàng lại khác nhau khiến người dân mệt mỏi. “Đáng lý các ngân hàng phải có cùng quy định giống nhau, không hoàn toàn thì cũng phải được 90% giống nhau để giúp người dân tự thẩm định điều kiện, khả năng của mình. Khung pháp lý cũng phải được giải tỏa. Chính quyền địa phương phải quy định chứng thực cho dân chúng bằng cách yêu cầu người dân cam kết và tự chịu trách nhiệm, có thế mới giải ngân được” - TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa phương án.

Cần theo thị trường

Doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội muốn được hưởng hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng phải hội đủ 3 yếu tố là dự án được Bộ Xây dựng chấp thuận, hồ sơ đủ điều kiện pháp lý và được 1 trong 5 ngân hàng đồng ý cho vay. Thế nên doanh nghiệp nào ngộ nhận rằng đủ 2 điều kiện đầu sẽ đương nhiên được vay tiền thì sẽ dễ “vỡ mộng”. “Cửa” cuối cùng mới là khắt khe nhất vì đây chỉ là chương trình hỗ trợ lãi suất chứ không phải ưu đãi nên ngân hàng cho vay vẫn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn cho vay như dự án nhà thương mại, với đòi hỏi tài sản thế chấp, vốn đối ứng…” - lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản khuyến cáo.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác thì cho rằng, khi xét duyệt cho doanh nghiệp vay thì cũng không nên thiên về tài sản đảm bảo, mà cũng tính đến yếu tố điều kiện năng lực của chủ Đầu tư: Mức độ nợ xấu, hàng tồn kho, nợ lương, bảo hiểm xã hội… Với công ty Nhà nước, không nên cứng nhắc là chỉ căn cứ vào tình hình tài chính của công ty mẹ để đánh giá không cho công ty con vay.

Vị này đề xuất giải pháp là thành lập chương trình nhà ở giá rẻ thay cho nhà xã hội, với ưu đãi là Nhà nước “giao đất nhưng thu tiền với giá rẻ” và giá đất được trừ vào giá thành sản phẩm. Điều này giúp tháo gỡ được nghịch lý đất dự án nhà xã hội không có sổ đỏ nên không có giá trị thế chấp tại ngân hàng.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, muốn vận hành nhanh gói 30.000 tỷ đồng, mỗi tỉnh, thành cần lập ra một hội đồng gồm các cơ quan Nhà nước, đoàn thể để duyệt dự án. Dự án được duyệt thì được cho vay. Cái đó tuy cũng không thông qua thị trường, những cũng đỡ xảy ra chuyện xin - cho.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Giao thông vận tải