Giảm mạnh vốn ngân sách trong xây dựng cơ bản

Cập nhật 05/03/2010 11:45

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010 sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song tỷ trọng đầu tư từ ngân sách sẽ giảm mạnh, nên nhiệm vụ trọng tâm của bài toán đầu tư là thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội...


Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản đã được đề xuất.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010 sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song tỷ trọng đầu tư từ ngân sách sẽ giảm mạnh, nên nhiệm vụ trọng tâm của bài toán đầu tư là thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội, sử dụng hết và có chất lượng từng đồng vốn.

Ý kiến trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về đầu tư xây dựng cơ bản sáng 4/3, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và 63 địa phương trong toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2009 ước thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 704.200 tỷ đồng, bằng 42,8% GDP (kế hoạch đề ra là 39,5% GDP), tăng 15,3% so với năm 2008. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước đạt 161 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2008. Vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 thấp so với yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ dự án chậm tiến độ vẫn chiếm khoảng 12,7%.

Nguyên nhân chậm trễ được bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra do công tác chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, kế hoạch, công tác xây dựng dự án, thẩm định và phê duyệt dự án chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều dự án, công trình phải chỉnh sửa thiết kế và tổng dự toán làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Các định mức, đơn giá chậm được ban hành, chính sách điều chỉnh giá không theo kịp với biến động thị trường dẫn đến tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, các hiện tượng tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Năm 2010, dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 791.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2009, bằng khoảng 41% GDP.

Tuy nhiên, mức vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước sẽ chỉ chiếm khoảng 15,9%, vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 7,1%, thấp hơn nhiều so với năm 2009. Các nguồn vốn khác từ xã hội chiếm khoảng 70%.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, lãnh đạo các tổng công ty rà soát việc phân bổ vốn cho năm 2010. Tuy nhiên, chỉ các dự án đủ điều kiện, thủ tục hoặc những dự án ưu tiên đưa vào sử dụng mới được dồn vốn cho xong. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không đầu tư dàn trải mà chỉ nên chọn một công trình trọng điểm để làm trước.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy