Chính sách tiền tệ đang nới lỏng khá nhanh và bất ngờ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi thực trạng thực sự của nền kinh tế hiện nay và việc nới lỏng như vậy sẽ có tác động như thế nào, ai là người được hưởng lợi?
Lợi đôi đường
Từ 11/4 các lãi suất chủ chốt sẽ đồng loạt giảm 1%: Lãi suất tái cấp vốn xuống 13%/năm, tái chiết khấu xuống 11%... Trần lãi suất huy động thời hạn trên một tháng cũng giảm từ 13% xuống 12%/năm. Lãi suất không kỳ hạn và dưới 1 tháng xuống còn 4%
Bên cạnh đó, một số nhóm cho vay được loại trừ khỏi dư nợ bất động sản. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp.
Dù còn phải chờ đợi để lãi suất cho vay hạ một cách chính thức, nhưng doanh nghiệp và giới đầu tư vẫn đón nhận với rất nhiều hy vọng. Lý do rất đơn giản là chỉ có hạ lãi suất huy động thì sau đó may ra các ngân hàng mới giảm lãi suất cho vay. Gánh nặng lãi suất cao ngất ngưởng trong suốt hơn một năm qua mới có thể nhẹ bớt và doanh nghiệp có thể mới dám nghĩ tới việc có vay tiếp hay không.
Mặc dù vậy, nhìn tổng thể có thể thấy gói giải pháp nới lỏng trên chưa hẳn đã hướng vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh - vốn là cái cơ bản nhất của nền kinh tế. Đâu đó, người ta vẫn thấy bóng dáng của đối tượng chính của chính sách nới lỏng lần này.
Có thể thấy, những từ ngữ được dùng nhiều nhất trong các quyết định vừa đưa ra là: lãi suất, tín dụng, xây dựng, mua nhà, bán, cho thuê, tháo gỡ khó khăn, nợ xấu, thanh khoản ngân hàng...
Nhận diện vấn đề này, đa số các nhà đầu tư trên TTCK đều cho rằng NHNN đang cởi trói gần như toàn bộ với lĩnh vực bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này được mở với mọi loại hình vay bao gồm vay để mua bán nhà ở đầu tư, đầu cơ, để ở; mở cho vay xây dựng bất động sản để bán, để ở.
Và đằng sau những sự vui mừng các doanh nghiệp bất động sản, có lẽ là những nụ cười của các ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước hiện đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, cao hơn mức dự trữ bắt buộc là 15.000 -20.000 tỷ đồng và khẳng định thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào.
Trước đó, trong lần giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống 13%, Thống đốc đã giải thích NHNN đưa ra quyết định giảm chậm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ là vì NHNN đặt vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng lên hàng đầu và muốn để các ngân hàng thương mại tự giảm lãi suất trước. Làm như thế sẽ mang tính thị trường hơn là ép buộc theo mệnh lệnh hành chính.
Trên thực tế, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã thực sự được cải thiện. Huy động vốn trong mấy tháng đầu năm 2012 tăng trong khi cho vay ra giảm. Các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ diễn ra suôn sẻ và các loại lãi suất trên các thị trường đều có xu hướng đi xuống đều đặn.
Một vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng hiện nay còn khiến nhiều người phải đau đầu lo nghĩ có lẽ là nợ xấu, mà nguồn gốc được cho là bắt nguồn chủ yếu từ sự đóng băng của thị trường bất động sản.
Giải thích về việc tại sao lại mở tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Thống đốc NHNN cho biết lĩnh vực này rất rộng, dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay bất động sản chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ trong hệ thống có đảm bảo bằng bất động sản rất lớn, khoảng 60%. Việc giãn nợ cho các doanh nghiệp và nới cho vay bất động sản rất có thể sẽ giảm áp lực nợ xấu và giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Sản xuất kinh doanh có vốn rẻ?
Nhìn tổng thể, gói giải pháp của NHNN dường như đang có mục tiêu hướng vào hai đối tượng là doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Tạm thời chưa nói đến tác động của mở tín dụng cho bất động sản, mà chuyển qua xem xét quyết định giảm lãi suất điều hành.
Chính sách vừa ra, tác dụng chắc chắn chưa có. Nhưng một điều có thể thấy khá rõ ràng là quyết định này đang nhóm lên hy vọng cho rất nhiều doanh nghiệp đang vất vả chống đỡ với cơn bão chi phí vốn cao và hàng tồn kho lớn.
Vấn đề được đặt ra là bước đi này đã đủ sớm và mạnh để kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh?
Ngay sau quyết định hạ lãi suất trần huy động và một loạt các lãi suất chủ chốt khác, các ngân hàng đã liên tiếp bung ra Eximbank các chương trình tín dụng mới.
ABBANK dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đối tượng được cho vay với lãi suất ưu đãi bao gồm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu những mặt hàng xuất nhập khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Eximbank cho biết sẽ dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp. Gói tín dụng với lãi suất trên bắt đầu được áp dụng từ ngày 11/4/2012.
Techcombank cũng đã cho biết sẽ dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất chỉ còn từ 15%, áp dụng từ nay cho tới 31/05/2012 cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu... tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt.
Mặc dù ngân hàng phản ứng nhanh là vậy, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng tiếp cận vốn giá rẻ như ngân hàng công bố.
Giống như các đợt giảm lãi suất cho vay thường thấy, các chương trình này có quy mô nhỏ so với tỷ trọng cho vay chung của toàn ngành. Hơn thế, các điều kiện đi kèm thường khá nhiều và đa số chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với nguồn vốn rẻ này.
Nhiều nghi ngờ cho rằng, việc tung ra các chương trình cho vay lãi suất thấp chỉ mang tính chất bề nổi bên ngoài. Và hầu như chưa có ngân hàng nào thống kê và công bố về kết quả thực hiện các chương trình đó.
Trên thực tế, mặc dù lãi suất điều hành giảm, nhưng nhiều người cho biết các khoản vay hiện chưa đáo hạn đã không được điều chỉnh giảm theo. Hiện tượng này là phổ biến, nó xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp và cả các cá nhân vay tiêu dùng... Hầu hết ai cũng biết nhưng dường như khó có thể thắc mắc bởi trong giao dịch vay-cho vay, người bị lép vế chắc chắn không phải các ngân hàng thương mại.
Hiện tại, mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho vay tiêu dùng đối với các cá nhân vẫn ở mức khoảng 20% trở lên. Còn đối với các doanh nghiệp, để vay được vốn với lãi suất 16-18% (thậm chí 14,5%-16,5%) như đại diện NHNN nói, chắc chắn phải chầy chật và số lượng này cũng rất ít ỏi.
Nhiều người cho rằng với mức trần lãi suất mới giảm thêm 1% (xuống 12%/năm), thì với tình hình này lãi suất cho vay ra trên diện rộng cũng khó lòng về dưới 18%.
Việc thả lỏng lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận, trong khi áp dụng trần huy động dường như đang mang lại lợi ích to lớn cho các ngân hàng thương mại. Mẫu thuẫn là ở chỗ doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi ngân hàng có dấu hiệu dư thừa vốn mà hai bên không thể gặp nhau? Lý do có lẽ là do doanh nghiệp không thể hấp thụ được vốn của ngân hàng với mức lãi suất vẫn còn rất cao và việc sản xuất hàng hóa ra không tiêu thụ được.
Điều mà nhiều người quan tâm là liệu tới bao giờ thì lãi suất đi vay mới về được 14,5%-16,5% như NHNN khẳng định? Vấn đề giảm trần lãi suất huy động nhanh hơn nữa (thay vì 1 quý giảm 1%) và hoặc áp trần lãi suất cho vay tiếp tụcd được đặt ra. Việc chờ đợi những kết quả của quá trình tái cấu trúc ngân hàng rồi mới đưa ra những biện pháp kéo giảm chi phí vốn cho nền kinh tế xuống có thể sẽ dẫn tới tình trạng đình đồn và vòng xoáy lạm phát sẽ quay trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF