Dứt khoát kiểm soát luồng tiền vào bất động sản

Cập nhật 07/09/2011 09:35

TS Đinh Thế Hiển, GĐ Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ hạ, cung tiền có thể nên nới ra nhưng dứt khoát, phải kiểm soát được luồng tiền đi vào phi sản xuất và bất động sản.


  TS Đinh Thế Hiển
TS Đinh Thế Hiển, GĐ Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ hạ, cung tiền có thể nên nới ra nhưng dứt khoát, phải kiểm soát được luồng tiền đi vào phi sản xuất và bất động sản.

* Có ý kiến cho rằng, lạm phát vừa qua đã là đỉnh lạm phát của năm 2011 rồi, ông có đánh giá thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Tôi cho rằng, nếu chúng ta cho rằng đỉnh lạm phát ở mức độ là người dân không còn khả năng mua sắm và lượng tiền đang giảm, tiền và hàng đã cân bằng rồi thì chưa có cơ sở. Quan sát 4 tháng cuối năm, nếu lượng tiền đưa ra nhiều mà lượng hàng hóa không tăng tương ứng thì có thể xuất hiện đợt lạm phát thứ hai.

* Trong bối cảnh doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó khăn, có hai quan điểm điều hành hiện nay là nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11 hoặc có thể nới lỏng ra. Vậy quan điểm của ông thế nào?

Ở đây, chúng ta cần hiểu có thắt chặt chính sách là theo kiểu nào? Chặt là kiểm soát chặt luồng tiền đi vào đâu vì 7 tháng đầu năm chúng ta đã phanh quá mức. Tất nhiên CPI tăng một phần là do cung tiền tăng nhưng siết quá mức như vậy sẽ mất tính thanh khoản.

Như vậy, theo tôi, tăng cung tiền là nên làm nhưng phải kiểm soát để nguồn cung tiền đi vào các nơi cần thiết thực sự. Đặc biệt, phải dứt khoát kiểm soát chặt luồng tiền vào bất động sản, vào những dự án đầu tư lớn của Nhà nước vốn đã kiên quyết đình hoãn trong năm nay. Yếu tố giảm giảm lãi suất thực sự là phải đưa thêm tiền vào nền kinh tế trong giai đoạn này cùng với tập quán sản xuất và tiêu dùng của người dân các tháng cuối năm tăng lên.

* Ông nhận định thế nào về hướng đi của luồng tiền hiện nay trên thị trường?


Tôi cho rằng, nếu một luồng tiền hướng vào sản xuất lương thực thực phẩm và một luồng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho vay tiêu dùng đối với người dân thì sẽ có sự tương ứng tiền và hàng, sẽ kiềm chế được CPI, tạo việc làm và khởi sắc nền kinh tế. Còn nếu chúng ta không hướng tốt luồng tiền theo cách đó, lại dưa vào bất động sản và đầu tư mạnh thì sẽ mất cân đối tiền hàng và CPI sẽ tăng trở lại và doanh nghiệp cũng không được hưởng lợi.

* Khả năng lãi suất năm nay sẽ thế nào thưa ông?

Cho tới thời điểm này chúng ta chỉ có thể khẳng định là sẽ không tăng lãi suất huy động cũng như cho vay, còn việc giảm như thế nào thì còn phải quan sát thêm. Tuy nhiên, chắc chắn lãi suất không thể nào giảm nhanh được.

Lực cho vay lớn nhất vẫn là bốn Ngân hàng quốc doanh, Nếu kỳ vọng 4 ngân hàng này được hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thì chắc chắn có sự hỗ trợ của Chính phủ để cho vay, còn nếu nhờ kênh huy động thông thường hiện nay của các ngân hàng mà lãi suất cho vay giảm xuống thì khó có cở sở.

Không phải ngẫu nhiên, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia muốn tín dụng năm nay chỉ tăng trưởng 15% và Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn 18%. Tôi không nói là con số nào nhưng là 15% hay 18% thì nếu hướng tốt luồng vốn, các doanh nghiệp cũng đã có nguồn vốn tốt cho sản xuất.

Vấn đề là thực tế, để cho vay bất động sản với số vốn thậm chí vài chục tỉ thì có thể được thẩm định rất nhanh nhưng nếu cho vay sản xuất dù chỉ tới vài tỷ đồng, việc thẩm định nghiên cứu hồ sơ lại phải có lộ trình. Chuyện cho vay còn đòi hỏi nỗ lực của ngân hàng và năng lực lập kế hoạch cũng như khả năng sử dụng đồng tiền của doanh nghiệp. Nếu không sẽ có lượng tiền dồn lại ngân hàng và họ lại biến tướng đưa vào phi sản xuất và bất động sản. Thế tì sẽ rất nguy hiểm và chúng ta cũng không đạt được mục tiêu là dồn tiền cho sản xuất ổn định.

* Thưa ông, cụ thể hơn, liệu lãi suất cho vay có thể giảm dưới 18% vào cuối năm nay?

Từ tháng 3 đến tháng 7, chính vì Thông tư 13 và Thông tư 19 nên tuy Ngân hàng có thể huy động được vốn nhưng không dám cho vay quá 80%. Một mặt, các ngân hàng vừa có lượng tiền ra thấp, một mặt phải nâng lãi suất cho nên các ngân hàng phải tính một lượng tiền vào chi phí vay và từ đó làm lãi suất cho vay tăng. Trên thị trưởng mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước đã hút trên 96.000 đồng trong vòng 6 tháng làm cho lượng tiền rất khan hiếm và như vậy làm cho CPI tăng và ngân hàng cũng phải gia tăng lãi suất huy động mới hút được tiền về.

Bây giờ CPI đã ở mức 0,9%, tính ở tháng 8. Nếu giữ được mức này thì tôi kỳ vọng từ nay tới hết năm và năm sau, CPI chỉ khoảng 11,97%. Như vậy nếu lãi suất huy động với mức trần 14% là thực dương thì rất tốt cho người gửi tiền. Cộng với lượng tiền dồi dào của các ngân hàng hiện nay thì mức 18% lãi suất cho vay ra là hoàn toàn khả thi có thể hạ được vào cuối năm nay.

* Các ngân hàng hiện nay công bố liên tục việc giảm lãi suất cho vay cả dài và ngắn hạn. Ông nhận định thế nào?

Các thông điệp đó có dồn dập nhưng thông điệp không mạnh mẽ. Bởi trong các ngân hàng, họ luôn có một khoản để cho vay đối với các doanh nghiệp có độ an toàn tin cậy cao. Vì lẽ đó, lãi suất cho vay là 18% sẽ là bình thường và cũng vì thế, thành ra thông điệp này không phải diện rộng. Tất nhiên Ngân hàng nào cũng phát thông điệp đó để doanh nghiệp tìm đến cộng với nghiệp vụ marketing để họ nói thôi chứ không phải tất cả đều được giảm tới như vậy.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN