Dùng dằng “món nợ” qua cả thập kỷ của “đại gia” Vinaconex

Cập nhật 27/09/2019 09:15

Báo cáo tài chính của Vinaconex (mã VGC) cho thấy, tính đến hết 30/6/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được hết tình trạng công nợ của “ông lớn” này, bởi còn có khoản công nợ chưa xác định tồn tại cả 10 năm nay.

Báo cáo tài chính của Vinaconex (mã VGC) cho thấy, tính đến hết 30/6/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được hết tình trạng công nợ của “ông lớn” này, bởi còn có khoản công nợ chưa xác định tồn tại cả 10 năm nay.

Báo cáo tài chính của Vinaconex (mã VGC) cho thấy, tính đến hết 30/6/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất giữa niên độ cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã được soát xét vởi Công ty TNHH Deloitte.

Tại báo cáo soát xét bán niên năm 2019 này, công ty kiểm toán Deloitte đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh cho khoản công nợ phát sinh của Vinaconex.

Cụ thể, ý kiến nhấn mạnh nêu rõ: Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 16/06/2016 của Văn phòng Chính phủ nêu “ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại cuộc họp xử lý sau thanh tra việc cổ phần hoá Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam” có đề cập một số vấn đề đã được nêu trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Kết luận về các vấn đề này làm tổng công ty phát sinh một khoản công nợ chưa xác định được giá trị một cách đáng tin cậy liên quan đến tiền sử dụng đất đối với diện tích các nhà nối của Tổng công ty trên đất lưu không tại Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính cũng như việc hỗ trợ phúc lợi phù hợp cho cộng đồng dân cư sống ở khu vực này. Đến ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ này, tổng công ty đang tiếp tục làm việc, giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện kết luận nêu trên.

Theo giải trình của Vinaconex liên quan đến ý kiến nhấn mạnh nêu trên của kiểm toán, ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng giám đốc Vinaconex cho biết: Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 16/6/2016 là văn bản tiếp theo của Thông báo số 65/TB/VPCP ngày 29/02/2012 về việc xử lý sau thanh tra cổ phần hoá của Vinaconex.

“Nội dung này đã được công ty kiểm toán nêu trong báo cáo tài chính các năm từ 2010-2018 và hàng năm, Tổng công ty Vinaconex đã giải trình với Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán và các cổ đông về nội dung này”, lãnh đạo Vinaconex cho biết.

Trước đó, tại báo cáo tài chính từ năm 2010 đến nay, đều đặn năm nào kiểm toán cũng nêu ý kiến nhấn mạnh liên quan đến việc xử lý tài chính sau thanh tra việc cổ phần hoá của Vinaconex. Theo đó, kiểm toán cho rằng ý kiến kết luận về vấn đề này có thể làm phát sinh các khoản công nợ tiềm tàng của tổng công ty.

Liên quan đến khoản nợ này, hơn 10 năm qua, vẫn chỉ ở giai đoạn “Tổng công ty vẫn đang trong quá trình làm việc, giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các nội dung có liên quan đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ”.

Trước đó, theo kết luận vừa công bố (11/12/2008), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính ra quyết định thu của Vinaconex và các đơn vị thành viên về cho ngân sách nhà nước số tiền là 1.415 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra việc cổ phần hoá tại Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thời điểm đó, cơ quan thanh tra đã khẳng định nhiều sai phạm trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, xây dựng vi phạm quy hoạch, chuyển nhượng tầng 1 các nhà chung cư… cũng như sai phạm tại nhiều đơn vị thành viên.

Trong đó, riêng tại dự án Khu đô thị mới Trung Hoà-Nhân Chính, Vinaconexđã xây “dôi” 6 toà văn phòng, 4 cửa hàng trên đất lưu không, thu lời 84 tỷ đồng.

Tuy nhiên tại thời điểm đó, Vinaconex cũng đã đưa ra những phản biện liên quan tới kết luận thanh tra. Chẳng hạn như, liên quan đến việc xây dựng nhà cầu nối và chuyển nhượng diện tích tầng 1 các tòa nhà chung cư cao tầng tại khu đô thị nói trên, Vinaconex dẫn Công văn số 3945/UBND-XD của UBND thành phố Hà Nội, để khẳng định việc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố chấp thuận cho Vinaconex xây dựng các nhà nối đó là hoàn toàn đúng pháp luật.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của Vinaconex, nợ phải trả tính đến 30/6/2019 của doanh nghiệp này là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ dù chưa phải quá cao đối với một doanh nghiệp xây dựng như Vinaconex, tuy nhiên phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn, với giá trị 8.890 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ.

Bên cạnh đó, các con số trên bảng cân đối kế toán chưa phản ánh được hết tình trạng công nợ của Vinaconex, bởi còn có khoản công nợ chưa xác định tồn tại từ khi có kết luận thanh tra sau cổ phần hoá. Đều đặn, tại báo cáo tài chính từ năm 2010 đến nay, năm nào kiểm toán cũng nêu ý kiến nhấn mạnh liên quan đến vấn đề này.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí