Dư nợ BĐS: Đầu năm 2009 mới lộ rõ rủi ro

Cập nhật 23/09/2008 01:00

Khi không còn khả năng nuôi nợ và không tìm được đối tác mua lại các khoản nợ bất động sản, các ngân hàng sẽ thực hiện giải chấp.

Khi không còn khả năng nuôi nợ và không tìm được đối tác mua lại các khoản nợ bất động sản, các ngân hàng sẽ thực hiện giải chấp.

Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV), tính đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản (BĐS) đang giảm dần, đặc biệt là dư nợ trên địa bàn TPHCM (khoảng 10% tổng dư nợ). Điều này cho thấy, các NH đã rất cảnh giác với những khoản vay BĐS và đang ráo riết thu hồi nợ.

Xuất hiện tình trạng nợ xấu

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc SBV chi nhánh TPHCM, cho biết dư nợ tín dụng BĐS trên địa bàn TPHCM - địa phương có hoạt động cho vay BĐS vào năm 2007 gần như rầm rộ nhất - hiện nay đang "không có vấn đề gì".

Tuy vậy, hiện các NH vẫn phải đau đầu với bài toán giải quyết các khoản vay BĐS. Bởi họ vẫn chưa tìm ra đối tác để mua lại các khoản nợ đó. Trong khi tình trạng nợ xấu và khả năng không trả được nợ đã xuất hiện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay chưa phải là thời điểm rủi ro nhất đối với các khoản vay BĐS. Bởi trước mắt, các NH vẫn còn khả năng nuôi nợ và gia hạn thêm thời gian đối với các khoản vay.

Vì thế, thời điểm này chưa thể xảy ra việc ồ ạt giải chấp BĐS như một số người lo ngại, ngoại trừ trường hợp các nhà đầu tư nhỏ lẻ "ôm" BĐS bằng tiền vay NH trước đây, buộc phải bán ra.

Tuy nhiên, khả năng nuôi nợ của các NH cũng chỉ có giới hạn và nhất là khi không tìm được đối tác mua nợ, họ sẽ buộc phải giải chấp. Đó có thể là thời điểm cuối năm 2008 - đầu năm 2009 tới.

Tiếp tục thắt chặt tín dụng


Từ bài học về khủng hoảng tài chính Mỹ, mặc dù SBV vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức về việc có hay không một sự thay đổi trong chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS thời gian tới nhưng TS Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển NH - SBV, cho biết quan điểm của ông là tiếp tục thắt chặt tín dụng đối với thị trường này.

Ngay cả bản thân một số DN BĐS cũng ủng hộ việc tiếp tục duy trì biện pháp này và khẳng định mặc dù hoạt động kinh doanh của các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đó là việc cần thiết phải làm, vừa bảo đảm an toàn cho hệ thống NH vừa đưa thị trường BĐS đi vào ổn định hơn.

Vừa qua, khi cánh cửa vay vốn tín dụng đối với thị trường BĐS bị khép lại, nhiều DN đã lao đao, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đây là biện pháp cần thiết, để thanh lọc các chủ đầu tư BĐS. Chủ đầu tư nào năng lực yếu sẽ bị đào thải.

Trước khi cơn địa chấn tài chính Mỹ nổ ra, một số ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải cởi mở hơn trong chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS để cứu những DN đang bị gánh nặng vốn vay NH và túng quẫn về vốn buộc phải ngưng thực hiện dự án vô thời hạn.

Đồng thời, cũng đã có một số NH bắt đầu hé mở việc cho vay BĐS. Hiện các NH này vẫn chưa có điều chỉnh gì về chính sách tín dụng đối với BĐS.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng các NH này phải hết sức thận trọng. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục "mạnh tay" đối với thị trường BĐS, nhất là giải quyết vấn đề nợ xấu.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội:

Cần có cơ chế giám sát, cảnh báo rủi ro


Ở thời điểm này, các NH nên cân nhắc việc cho vay BĐS. Bởi cơn địa chấn tài chính Mỹ để lại cho chúng ta một bài học lớn: Không nên cho trứng vào một giỏ. Đó là việc không nên tập trung cho vay quá nhiều vào một lĩnh vực và một nhóm đối tượng.

Thực ra, việc dễ dãi cho vay kích cầu, đầu cơ thời gian qua, nếu nhìn nhận sâu xa thì đó cũng là một hình thức cho vay dưới chuẩn. Vì thế, cần có một cơ chế giám sát và cảnh báo rủi ro sớm, sử dụng triệt để các công cụ của Nhà nước.

Làm được điều này sẽ chấn chỉnh được yếu tố tâm lý. Tránh để khi chỉ cho vay vài trăm tỉ đồng nhưng phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để giải quyết hậu quả.


www.DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc NLĐ