Đánh giá của chuyên gia kinh tế, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm gặp khó khăn thì lĩnh vực bất động sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng hợp lý là 1,1%.
Thông tin từ ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dung, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ cho vay bất động sản đến 31/3/2013 đạt 230.951 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2012.
Theo đó, một số địa phương có mức tăng khá như Đà Nẵng (tăng 11,8%), Hà Nội (tăng 3,4%), TP HCM (tăng 2,5%).
Dư nợ cho vay tăng mạnh ở một số đối tượng như: Xây dựng sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê tăng 3,7%; Xây dựng sửa chữa mua nhà để kết hợp cho thuê mà nguồn không trả bằng tiền lương: tăng 3,7%.
Trong khi đó, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết lượng hàng tồn kho đang có xu hướng tăng cao. Cụ thể đến hết tháng 3 lượng căn hộ tồn kho đã tăng 20%, lên hơn 33.850 căn hộ. Đất nền tồn kho tăng 3% lên hơn một triệu m2.
Còn tại Hà Nội, tính đến hết tháng 3/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 891.677 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng 2/2013, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2012, TP.HCM tồn kho hơn 14.816 căn nhà, 58.748m2 mặt bằng thương mại... với giá trị tồn kho ước tính 30.242 tỷ đồng. Hà Nội đã tồn kho hơn 5.800 căn nhà, 5.400 m2 mặt bằng thương mại... tương đương khoảng 14.070 tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm gặp khó khăn thì lĩnh vực bất động sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng hợp lý. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang tồn tại nghịch lý là thừa cung, trong khi cầu vẫn rất nhiều. Điều này nói lên bất cập của thị trường bất động sản hiện nay là cung và cầu chưa bắt nhịp được với nhau. Các chuyên gia cũng cảnh báo, con số thống kê nêu trên chỉ là con số của những bất động sản đã hoàn thành chưa bán được. Số lượng các dự án người dân đóng góp vốn nhưng chưa triển khai không được đưa vào nên dự báo hàng tồn kho trong thị trường vẫn còn rất nhiều.
Khi thị trường bất động sản lâm vào tình cảnh tồi tệ như thời gian qua, việc xử lý nợ xấu bất động sản, giải quyết hàng tồn kho, tạo thanh khoản cho sản phẩm đang là bài toán đau đầu không những cho cơ quan quản lý mà còn cho cả các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản như hiện nay là do hệ lụy từ chính sách tiền tệ nới lỏng những năm trước, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức trên 30%, ồ ạt đầu tư vào bất động sản.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, chúng ta không thể chờ tới 7 năm để giải quyết xong đống hàng tồn kho hiện nay mà cần giải quyết được bài toàn xã hội, đó là kích cầu cho người tiêu dùng. Chỉ có giải pháp làm sao để người có nhu cầu mua nhà, những người còn khó khăn về tài chính mua được nhà thì mới có khả năng giải quyết được vấn đề.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản án binh bất động, gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở đang rất được doanh nghiệp và người dân chờ đợi. Dự kiến trong tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh cho biết, để đưa được gói cứu trợ này tới người dân, Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán kỹ nhiều yếu tố tác động khác nhau đến an sinh xã hội, nguồn cung tiền và lạm phát.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia